Trang chủ Blog Du Lịch Tuyến điểm du lịch TPHCM – Bà Rịa Vũng Tàu – Côn...

Tuyến điểm du lịch TPHCM – Bà Rịa Vũng Tàu – Côn Đảo

3281
0

TUYẾN ĐIỂM DU LỊCH TPHCM – BÀ RỊA ( 103 km ) – VŨNG TÀU (125 km ) – CÔN ĐẢO ( 295km). TIỂU VÙNG DU LỊCH ĐÔNG NAM BỘ

Tổng quan về Bà Rịa Vũng Tàu

Tuyến điểm du lịch TPHCM – Bà Rịa Vũng Tàu – Côn Đảo

Lịch sử hình thành

Bà Rịa: theo nhiều người giải thích là xưa ở vùng đất này có một bà quê ở Bình Định vào vùng Mô Xoài này khai hoang lập nghiệp, nên để ghi nhớ công ơn này nên người dân địa phương Tôn Thờ Bà, và lấy tên bà đặt cho vùng đất Bà Rịa ngày này.

  • Bà Rịa – Vũng Tàu là vùng đất được khai phá và xây dựng cách nay hơn 300 năm.
  • 1698 – tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay được lưu dân người Việt từ miền Trung vào khai phá từ thời nhà Nguyễn, là vùng đất của thành Gia Định.
  • 1895 – Thực dân Pháp tách phần đất của thành phố Vũng Tàu ngày nay lập thành phố Cap Saint Jacques.
  • 1945 – Chính quyền cách mạng thành lập tỉnh Cáp (bao gồm Bà Rịa và Vũng Tàu ngày nay).
  • 1967 – Thành lập tỉnh Bà Rịa – Long Khánh.
  • Năm 1975:
    • Thành Lập tỉnh Đồng Nai từ tỉnh Biên Hoà, Long Khánh, Phước Tuy, 1 phần đất tỉnh Bình Tuy.
    • Tháng 9/1976 lập huyện Côn Đảo thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
    • Tháng 1/1977 chuyển huyện Côn Đảo sang thuộc tỉnh Hậu Giang.
  • Năm 1979, thành lập đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo trên cơ sở thị xã Vũng Tàu tỉnh Đồng Nai, xã Long Sơn huyện Châu Thành Đồng Nai và huyện Côn Đảo tỉnh Hậu Giang
  • Năm 1982,thành lập thị trấn Bà Rịa ( huyện Châu Thành) từ xã Phước Lễ, thị trấn Long Điền (huyện Long Đất) từ xã Long Điền, thị trấn Long Hải (huyện Long Đất) từ xã Long Hải. Giải tán xã Phước Lễ, Long Điền, Long Hải.
  • Năm 1991, thành lập tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từ 3 huyện Châu Thành, Long Đất và Xuyên Mộc thuộc tỉnh Đồng Nai và Đặc Khu Vũng tàu Côn Đảo.
    • tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu khi đó gồm: thị xã Vũng Tàu (tỉnh lỵ), Các huyện: Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc và Côn Đảo
  • Năm 1994. thành lập thị xã Bà Rịa, huyện Tân Thành, huyện Châu Đức, lập Thị Trấn Phú Mỹ trực thuộc Tân Thành, TT Ngãi Giao thuộc Châu Đức. Giải tán huyện Châu Thành
  • Năm 2003. giải thể huyện Long Đất. Lập huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ.
  • Năm 2007, lập thị trấn Đất Đỏ và Thị trấn Phước Hải trực thuộc huyện Đất Đỏ
  • Năm 2012, Thành lập Thành Phố Bà Rịa (ngày 22.08.2012)

Điều kiện tự nhiên

Bà Rịa – Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc vùng Đô thị Thành Phố Hồ Chí Minh. Tỉnh lỵ của tỉnh (từ khi thành lập tỉnh đến ngày 1 tháng 5 năm 2012) và đô thị lớn nhất tỉnh là thành phố du lịch thành phố Vũng Tàu. Từ ngày 2 tháng 5 năm 2012, tỉnh lị chuyển đến thành phố Bà Rịa. Hiện nay Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh duy nhất trong nước có tỉnh lị không phải là đô thị lớn nhất trong tỉnh và là tính có hai thành phố trực thuộc tỉnh ở khu vực phía nam.

Địa lý

Tỉnh tiếp giáp tỉnh Đồng Nai ở phía bắc, Thành phố Hồ Chí Minh ở phía tây, tỉnh Bình Thuận ở phía đông, còn phía nam giáp Biển Đông.

Khí hậu

Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa; một năm chia hai mùa rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, thời gian này có gió mùa Tây Nam. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thời gian này có gió mùa Đông Bắc.

Nhiệt độ trung bình hàng năm là 27°C, tháng thấp nhất khoảng 24,8°C, tháng cao nhất khoảng 28,6°C. Số giờ nắng rất cao, trung bình hàng năm khoảng 2400 giờ. Lượng mưa trung bình 1500mm.

Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong vùng ít có bão.

Địa hình

Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính nằm trên đất liền và một đơn vị hành chính hải đảo là huyện Côn Đảo. Địa hình tỉnh có thể chia làm 4 vùng: bán đảo hải đảo, vùng đồi núi bán trung du và vùng thung lũng đồng bằng ven biển. Bán đảo Vũng Tàu dài và hẹp diện tích 82,86 km2, độ cao trung bình 3-4m so với mặt biển. Hải đảo bao gồm quần đảo Côn Lôn và đảo Long Sơn. Vùng đồi núi bán trung du nằm ở phía Bắc và Đông Bắc tỉnh phần lớn ở huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc. Ở vùng này có vùng thung lũng đồng bằng ven biển bao gồm một phần đất của các huyện Tân Thanh Long Điền, Bà Rịa, Đất Đỏ. Khu vực này có những đồng lúa nước, xen lẫn những vạt đôi thấp và rừng thưa có những bãi cát ven biển. Thềm lục địa rộng trên 100.000 km2.

Điểm đến du lịch tại Bà Rịa Vũng Tàu

Di tích – danh thắng

1. NIẾT BÀN TỊNH XÁ
– Lịch sử: Thượng tọa Thích Thiện Huệ khởi công xây dựng từ năm 1969 và khánh thành vào năm 1974 bằng tiền quyên góp của đồng bào phật tử.
– Phong cảnh tổng quan: Chùa nằm trên sườn Núi Nhỏ, hướng mặt ra biển. Đây là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu với những đường nét kiến trúc sắc sảo.
Địa chỉ: đường Hạ Long, P. 1, Tp. Vũng Tàu
2. THÍCH CA PHẬT ĐÀI
Thích Ca Phật Đài là ngôi chùa lớn tiêu biểu ở Vũng Tàu, với quần thể kiến trúc điêu khắc theo sự tích của cuộc đời Phật Thích Ca Mâu Ni, từ khi sinh ra đến khi nhập cõi Niết Bàn.
Địa chỉ: đường Trần Phú, P. 5, TP. Vũng Tàu
3. LINH ĐỊA MẸ THIÊN CHÚA ( Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu)
Tượng Đức Mẹ Bãi Dâu nằm bên chân núi Tương Kỳ (núi Lớn), được xây dựng năm 1992. Tượng màu trắng thanh thoát, cao 25m , hướng ra biển, tay bế Chúa Giêsu. Khuôn viên nhà thờ Đức Mẹ Bãi Dâu còn cả một cụm kiến trúc tôn giáo kỳ vĩ. Nơi đây có đường lên đỉnh núi Lớn để ngắm toàn cảnh thành phố biển Vũng Tàu. Đích đến là thánh giá và dọc theo đường đi là 14 chặng đàng thánh giá của Chúa Giêsu.
Địa chỉ liên hệ: 140A  đường Trần Phú, P. 5, Tp. Vũng Tàu.
4. TRẬN ĐỊA PHÁO CỔ
Trận địa Pháo cổ do thực dân Pháp khởi công năm 1885 và kéo dài trong vòng 15 năm mới hoàn thành, nhằm tạo hành lang an toàn tuyệt đối cho cửa ngõ vùng ĐôngNam Bộ .
Địa chỉ: đường Trần Phú, P. 5, Tp. Vũng Tàu và đường Hạ Long, P. 2, Tp. Vũng Tàu.
5. BẠCH DINH
Công trình được khởi công vào năm 1898, mãi đến năm 1902 mới hoàn thành. Dinh được sơn màu trắng bên ngoài  nên người Việt quen gọi dinh thự này là Bạch Dinh…
Số 4 đường Trần Phú, thành phố Vũng Tàu.
6. HẢI ĐĂNG VŨNG TÀU
Hải Đăng Vũng Tàu được xây dựng đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1870 với quy mô xây cất đơn giản, độ sáng kém.
Năm 1913 được xây mới từ vị trí cũ, kiểu dáng vẫn được giữ nguyên.
Địa chỉ: đường Hải Đăng, phường 2, thành phố Vũng Tàu.
7. TƯỢNG CHÚA KITO (Tượng Đức Chúa dang tay)
Tượng Chúa Kitô tọa lạc trên núi Nhỏ ở độ cao 170 m so với mặt nước biển, do Giáo hội Thiên chúa giáo xây dựng năm 1974 và hoàn thành năm 1993.
Tượng Chúa Kitô thực sự là một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo tầm cỡ của khu vực và là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Đường Hạ Long, P. 2, TP. Vũng Tàu.
8. NHÀ LỚN LONG SƠN

Nhà Lớn Long Sơn do Ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu, người Hà Tiên) khoảng năm 1900 ông đến đảo Long Sơn khai hoang lập nghiệp, Từ năm 1910 Ông cho khởi công xây dựng khu Nhà Lớn, đến 1929 thì hoàn thành. Tất cả đều nhờ tiền của và công sức tự nguyện của ông và của nhiều người tin theo ông. Ngày 03 tháng 08 năm 1991, toàn thể khu Nhà Lớn đã được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia.

Địa chỉ:Thôn 10, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu

9. HÒN BÀ
Từ mũi Nghinh Phong nhìn ra biển, du khách thấy một hòn đảo nhỏ, dưới chân đảo sóng biển tung bọt trắng xóa, rất thơ mộng, đó là Hòn Bà.
Hòn Bà cách chân núi Nhỏ khoảng 200 m, là một thắng cảnh đẹp của Vũng Tàu, thu hút khách thập phương đến tham quan và lễ bái cầu may mắn tại ngôi miếu ở đây.
Mũi Nghinh Phong, đường Hạ Long, P. 2, TP. Vũng Tàu.
10. LINH SƠN CỔ TỰ
Linh Sơn cổ tự là ngôi chùa cổ tọa lạc bên đường Hoàng Hoa Thám, phường 2, thành phố Vũng Tàu. Trong Chánh điện có tượng Phật cao 1,2 m bằng đá, dát vàng, được điêu khắc, chạm trổ rất khéo léo. Xem thêm…
Số 104  Hoàng Hoa Thám, P. 2, TP. Vũng Tàu.
11. PHƯỚC LÂM TỰ
Phước Lâm Tự có lịch sử khoảng 200 năm, là di tích có kiến trúc và cảnh quan rất đẹp.
Lịch sử: Trước năm 1944, chùa được xây dựng ở chân núi lớn nên có tên Phước Sơn Tự. Sau đó, thực dân Pháp lấy khu vực ở gần chùa làm trường bắn cho Trường thiếu sinh quân, nên chùa được dời xuống vị trí hiện nay và có tên Phước Lâm.
Địa chỉ: 65 Nguyễn Bảo, phường 6, TP. Vũng Tàu.
12. BẢO TÀNG VŨ KHÍ CỔ TƯ NHÂN

Bảo tàng vũ khí cổ tư nhân do  ông Robert Taylor – một nhà sưu tập vũ khí cổ người Anh đang định cư tại Bà Rịa – Vũng Tàu thành lập và quản lý.

Bảo tàng có diện tích 1.600 m2, trưng bày 1.200 cây súng gồm các loại súng hỏa mai, súng trường, súng lục, 1.000 thanh gươm, 500 ma-nơ-canh trong những bộ quân phục quân trang của quân đội các nước ở các thế kỷ trước như các nước Hy lạp, La Mã, Mông Cổ, Samurai, thời kỳ cuộc chiến tranh NAPOLEON, và các nước Châu Âu  như Anh, Hà Lan, Nga.

Số 98 Trần Hưng Đạo, TP. Vũng Tàu

13. NHÀ TRÒN BÀ RỊA
Nhà Tròn Bà Rịa được xây dựng từ thời Pháp, kiến trúc chính là tháp nước hình tròn có mái che, phía dưới là nhà làm việc tạo thành chân đế.
Tại đây, ngày 28/05/1945, cờ Cách mạng đã được treo trên đỉnh tháp, hàng vạn nhân dân trong tỉnh tổ chức mít tinh, khởi nghĩa giành chính quyền từ tay thực dân Pháp và tay sai. Ngày 01/05/1975, Thị ủy Bà Rịa tổ chức mít tinh tại Nhà Tròn mừng chiến thắng đất nước hoàn toàn giải phóng. Nhà Tròn Bà Rịa được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ngày 05/06/1987.
Giao lộ Cách Mạng Tháng Tám và 17/4, xã Long Hương, TP. Bà Rịa
14. ĐỊA ĐẠO LONG PHƯỚC

Địa Đạo Long Phước nằm ở xã Long Phước, cách trung tâm thị xã Bà Rịa 7km về phía Đông Bắc. Đây là một chứng tích hào hùng của quân và dân ta trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế Quốc Mỹ xâm lược. Ngoài ra, Địa Đạo Long Phước còn là một công trình sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo.

Xã Long Phước, TP. Bà Rịa.
15. NÚI MINH ĐẠM VÀ CĂN CỨ CÁCH MẠNG NÚI MINH ĐẠM
Núi Châu Long – Châu Viên nằm ở Đông Nam huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, dài 8km, điểm cao nhất 355m,cách thị xã Bà Rịa khoảng 30km, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 150km. Sườn núi phủ đầy cây rừng rậm rạp và nhiều hang động tự nhiên, có suối nước ngọt quanh năm, dọc theo chân núi là bãi biển chạy dài từ đông sang tây qua núi Thùy Vân.
Núi Minh Đạm, Tỉnh lộ 44, thị trấn Phước Hải, H. Đất Đỏ.
16. ĐỊA ĐẠO KIM LONG
Địa đạo Kim Long được hình thành từ năm 1962 đến năm 1964, với chiều dài 2 km, xuyên qua nhà ở, vườn cây ăn trái, có 12 cửa lên xuống. Trong địa đạo có đầy đủ công sự chiến đấu, phòng họp, trạm y tế kho lương thực, vũ khí… Xem thêm…
Ấp 10, xã Kim Long, huyện Châu Đức.
17. NHÀ LƯU NIỆM VÀ TƯỢNG ĐÀI ANH HÙNG VÕ THỊ SÁU
Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu (1935-1952) là một nữ chiến sĩ được tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.  Cô quê ở vùng Đất Đỏ Long Điền, tỉnh Bà Rịa (nay thuộc xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh BR-VT)
 Ngã tư đất Đỏ, xã Phước Long Thọ, H. Đất Đỏ.
18. CHÙA CỔ LONG BÀN
Chùa cổ Long Bàn hay còn gọi là chùa Làng, là điểm du lịch tâm linh nghiên cứu tìm hiểu đặc biệt của du khách. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, trang trí mỹ thuật độc đáo đặc biệt là các bao lam chạm hình chim phụng, hoa lá và các khảm thờ chạm rồng, phượng, hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy chạm khắc tinh xảo.
Thôn Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền.
19. DINH BÀ CỐ
Dinh Bà Cố còn được gọi là Dinh Cố, được xây dựng vào năm Kỷ Dậu (1789) chỉ là những căn nhà lá. Năm 1987, Dinh Bà Cố được sửa chữa, xây thêm nhà khách và sân khấu.
Địa chỉ: Núi Dinh Cố, xã Tam Phước, huyện Long Điền
20. NGHĨA TRANG CÁ ÔNG

Nghĩa trang cá Ông (cá voi) còn được gọi là “Ngọc lăng Nam Hải” nằm ngay bên bờ biển sạch đẹp, ẩn mình trong một xóm nghèo của làng chài Phước Hải, Xem thêm…

Thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ.
21. DINH CÔ – MỘ CÔ
Dinh Cô là một kiến trúc hoành tráng, in đậm màu sắc văn hóa dân gian, nằm bên bờ biển nên thơ Long Hải.
Tương truyền, cách đây 2 thế kỷ, một trinh nữ Lê Thị Hồng ( tục danh là Thị Cách), quê ở Tam Quan – Bình Định, giàu lòng nhân ái, từ bi muốn tìm nơi thanh liêu ẩn giật. Chẳng may trong một lần ra biển cô bị nạn ( tại Hòn Hang) khi vừa tròn 16 tuổi. Ngư dân địa phương đã chôn cất Cô trên đồi Cơ Sơn và lập miếu thờ ngoài biển.
Khu phố Hải Trung, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền.
22. MIẾU BÀ PHI YẾN
Miếu Bà Phi Yến hay còn gọi là An Sơn miếu được xây dựng từ năm 1785 để thờ Bà Phi Yến – vợ của chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long).
Đối với những người dân đảo, ngôi miếu rất linh thiêng, gắn liền với câu chuyện bi thương của người phụ nữ tài sắc, đức hạnh và giàu lòng yêu nước.
Xã An Hải, huyện Côn Đảo.
23. HỆ THỐNG NHÀ TÙ CÔN ĐẢO
Hệ thống nhà tù Côn Đảo thời Pháp: gồm các trại giam Bagne (Banh) 1, 2, 3, Biệt Lập Chuồng Bò, Chuồng Cọp và Bagne 3 phụ.
Thị trấn Côn Đảo, huyện Côn Đảo.
24. NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG
Nghĩa trang Hàng Dương có diện tích 190.000 m2 gồm 4 khu. A, B, C, D là nơi yên nghỉ của khoảng 20.000 tù nhân. Tại sân hành lễ ở trung tâm nghĩa trang có tượng đài Trao Áo, dưới chân tượng khắc dòng chữ “Vĩnh biệt các đồng chí”.
Thị trấn Côn Đảo, huyện Côn Đảo.
25. CẦU TÀU LỊCH SỬ 914
Cầu tàu 914 được khởi công xây dựng năm 1873, dài khoảng 100 m.
Thị trấn Côn Đảo, huyện Côn Đảo.
26. DI TÍCH CẦU MA THIÊN LÃNH
Cầu Ma Thiên Lãnh do thực dân Pháp bắt tù nhân xây dựng trong vùng núi non hiểm trở là chứng tích tội ác của thực dân Pháp trong chiến tranh.
Xã Sơn Khê, huyện Côn Đảo.
27. NÚI DINH
Ai đã từng đến Bà Rịa –Vũng Tàu hãy một lần ghé thăm Núi Dinh. Đây là một trong những điểm đến nổi bật của loại hình du lịch sinh thái BR- VT, núi Dinh nằm cách thành phố Bà Rịa khoảng 15km về hướng Bắc (hướng về Sài Gòn) trên địa bàn huyện Tân Thành, là địa danh hội tụ những giá trị nổi bật với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa, lịch sử phong phú và nơi đây cũng nổi tiếng với bầu không khí trong lành, độc đáo được ví như “Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam”.
28. VƯỜN QUỐC GIA CÔN ĐẢO
Đầu năm 2014, Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới đã công nhận Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo là 1 trong 2.203 khu đất ngập nước quan trọng quốc tế. Là khu đất ngập nước quan trọng (khu Ramsar) thứ 6 và là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam, VQG Côn Đảo hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng, biển rất đặc sắc và hiếm có trên thế giới.
29. SUỐI KHOÁNG NÓNG BÌNH CHÂU

Tại suối khoáng nóng Bình Châu (QL 55 xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), hàng loạt dịch vụ thư giãn, nghỉ dưỡng giữa không gian xanh tươi của cây cỏ và giữa sự huyền ảo của sương khói Bình Châu để phục vụ cho du khách gần xa.

30. VŨNG TÀU MARINA
Vũng Tàu Marina dường như chẳng xa lạ gì đối với người dân Vũng Tàu và du khách thập phương vì nó sở hữu một Bến du thuyền ở vị trí hoàn hảo: nằm trên vịnh Sông Dinh (Marina Bay) có không khí trong lành, phóng tầm nhìn qua vịnh là đảo Gò Găng và Long Sơn.
31. LÀNG QUÊ NAM BỘ Ở KHU DU LỊCH BƯNG BẠC
Phong cảnh như một làng quê miền Tây Nam bộ thu nhỏ nên dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, KDL sinh thái Bưng Bạc (TP. Bà Rịa) đã thu hút được du khách trong và ngoài nước đến tham quan, giải trí.

HUYỆN CÔN ĐẢO

Côn Đảo là tên một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý. Côn Đảo hay Côn Sơn cũng hay dùng cho tên của hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này. Sử Việt trước thế kỷ 20 thường gọi đảo Côn Sơn là đảo Côn Lôn hoặc Côn Nôn. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor.

Năm 1977, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo. Côn Đảo cũng là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Côn Đảo có cùng một kinh độ với Thành phố Hồ Chí Minh (106°36′) và cùng một vĩ độ với tỉnh Cà Mau (8°36′).

Quần đảo Côn Đảo gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km².

  • Côn Lôn hay Côn Sơn, Phú Hải, 51,52 km²
  • Hòn Côn Lôn Nhỏ, hay Hòn Bà, Phú Sơn, 5,45 km²
  • Hòn Bảy Cạnh, hay Hòn Bãi Cạnh, Phú Hòa, 5,5 km²
  • Hòn Cau, hay Phú Lệ 1,8 km²
  • Hòn Bông Lan, hay Bông Lang, Bông Lau, Phú Phong, 0,2 km²
  • Hòn Vung, hay Phú Vinh 0,15 km²
  • Hòn Ngọc, hay hòn Trọc, hòn Trai, Phú Nghĩa, 0,4 km²
  • Hòn Trứng, hay hòn Đá Bạc, hòn Đá Trắng, Phú Thọ, 0,1 km²
  • Hòn Tài Lớn, hay Phú Bình 0,38 km²
  • Hòn Tài Nhỏ, hay Hòn Thỏ, Phú An, 0,1 km²
  • Hòn Trắc Lớn, hay Phú Hưng 0,25 km²
  • Hòn Trắc Nhỏ, hay Phú Thịnh 0,1 km²
  • Hòn Tre Lớn, hay Phú Hòa 0,75 km²
  • Hòn Tre Nhỏ, hay Phú Hội, 0,25 km²
  • Hòn Anh, hay Hòn Trứng Lớn
  • Hòn Em, hay Hòn Trứng Nhỏ

Tên gọi

Tên Côn Đảo có nguồn gốc Mã Lai từ chữ “Pulau Kundur” nghĩa là “Hòn Bí”. Người Âu Châu phiên âm là “Poulo Condor”. Sử Việt thì gọi là “Đảo Côn Lôn” có thể cũng từ “Kundur” mà ra.

Riêng tên tiếng Miên của đảo là “Koh Tralach”.

Lịch sử

  • Côn Đảo nằm ở vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Âu – Á, vì vậy Côn Đảo được người phương Tây biết đến rất sớm.
  • Năm 1294 đoàn thuyền của nhà thám hiểm người Ý Marco Polo, gồm 14 chiếc trên đường từ Trung Hoa về nước bị một cơn bão nhấn chìm mất 8 chiếc, số còn lại đã dạt vào trú tại Côn Đảo.
  • Từ thế kỷ 15 – thế kỷ 16 có rất nhiều đoàn du hành của châu Âu ghé qua thăm Côn Đảo.
  • Cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 các nhà tư bản Anh, Pháp đã bắt đầu để ý đến các nước phương Đông. Nhiều lần các công ty của Anh, Pháp cho người tới Côn Đảo điều tra, dò xét tình hình mọi mặt với dụng ý xâm chiếm Côn Đảo.
  • Năm 1702, năm thứ 12 đời Chúa Nguyễn Phúc Chu, Công ty Đông-Ấn của Anh đổ quân lên Côn Đảo xây dựng pháo đài và cột cờ.
  • Sau 3 năm, ngày 3 tháng 2 năm 1705 xảy ra cuộc nổi dậy của người Mã Lai Macassar (lính đánh thuê của chính quyền Anh), đoàn quân Anh phải rời bỏ Côn Đảo.
  • Ngày 28 tháng 11 năm 1783, Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc), trong chuyến đem hoàng tử Cảnh và vương ấn của Chúa Nguyễn Ánh về Pháp, tự đứng ra đại diện cho Nguyễn Ánh để ký với Bá tước De Mantmarin, đại diện cho vua Louis XVI của Pháp, Hiệp ước Versailles. Đó là văn kiện đầu tiên của nhà Nguyễn nhượng cho Pháp chủ quyền cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn. Để đổi lại Pháp giúp Nguyễn Ánh 4 tàu chiến, 1200 lính, 200 pháo thủ, 250 người lính Phi để chống lại nhà Tây Sơn.
  • Tương truyền, trong đợt thứ 3 bị Tây Sơn truy sát Nguyễn Ánh đã trốn ra Côn Lôn. Sống ẩn dật mấy tháng trời ở đây. Vì thế, hiện nay ở đảo Côn Sơn có một ngọn núi cao gọi là núi Chúa; Đền thờ thứ phi của Nguyễn Ánh là Hoàng Phi Yến ở làng An Hải và Miếu Cậu thờ Hoàng tử Cải con của thứ phi Hoàng Phi Yến tại làng Cỏ Ống.
  • Thời nhà Nguyễn độc lập, theo Đại Nam nhất thống chí, thời Gia Long Côn Đảo thuộc quyền quản hạt của đạo Cần Giờ trấn Phiên An tổng trấn Gia Định (Gia Định thành), đến năm Minh Mạng 20 (1839) được chuyển sang thuộc tỉnh Vĩnh Long của Nam Kỳ Lục tỉnh.
  • Ngày 1 tháng 9 năm 1858, Pháp tấn công Đà Nẵng chiếm đóng bán đảo Sơn Trà, chuẩn bị đánh Huế.
  • Tháng 4 năm 1861, Pháp đánh chiếm Định Tường. Chính trong thời gian này, Pháp khẩn cấp đặt vấn đề chiếm đóng Côn Đảo vì sợ Anh chiếm mất vị trí chiến lược quan trọng này.
  • 10 giờ sáng ngày 28 tháng 11 năm 1861, Bonard (thủy sư đô đốc Pháp) hạ lệnh cho thông báo hạm Norzagaray đến xâm chiếm Côn Lôn.
  • Trung úy Hải quân Pháp Lespès Sebastien Nicolas Joachim lập biên bản: “Tuyên cáo chủ quyền” của Pháp tại Côn Đảo.
  • Ngày 14 tháng 1 năm 1862 chiếc tàu chở hàng (Nievre) chở một số nhân viên ra đảo, họ có nhiệm vụ tìm vị trí thuận lợi dựng tạm hải đăng Côn Đảo, nhằm chống chế nếu có nước nào phản kháng hành động tuyên bố chủ quyền.

Nhà tù

Ngày 1 tháng 2 năm 1862 Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, và từ đó biến Côn Lôn thành nơi giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp nổi tiếng. Vì vậy dưới thời Pháp thuộc đã có câu rằng:”Côn Lôn đi dễ khó về | Già đi bỏ xác, trai về nắm xương”.

Hành chính

  • Quần đảo Côn Lôn trước khi thuộc Pháp, thuộc tỉnh Hà Tiên, sau đổi cho tỉnh Vĩnh Long quản lý.
  • Ngày 16 tháng 5 năm 1882 tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh công nhận quần đảo Côn Lôn là một quận của Nam Kỳ.
  • Tháng 9 năm 1954 dưới chính quyền Quốc gia Việt Nam Thủ tướng Ngô Đình Diệm tiếp tục chế độ nhà tù của Pháp và đổi tên quần đảo Côn Lôn thành hải đảo Côn Sơn.
  • Ngày 22 tháng 10 năm 1956, sang thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam Tổng thống Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập tỉnh Côn Sơn.
  • Ngày 24 tháng 4 năm 1965 tỉnh Côn Sơn đổi thành cơ sở hành chính Côn Sơn, trực thuộc bộ Nội vụ và chức tỉnh trưởng được đổi thành Đặc phái viên hành chính.
  • Sau Hiệp định Paris, chính quyền Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại đổi tên quần đảo này một lần nữa là Phú Hải. Các trại tù đều được ghép thêm chữ Phú. Giai đoạn này số tù nhân lên đến 8.000 người.
  • Với chế độ tàn bạo của nhà tù khoảng 20.000 người Việt Nam đã chết và được chôn cất tại Nghĩa trang Hàng Dương.
  • Ngày 1 tháng 5 năm 1975 Quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp quản Côn Đảo
  • Tháng 5 năm 1975, Côn Đảo được gọi là tỉnh Côn Đảo
  • Tháng 9 năm 1976, giải thể tỉnh Côn Đảo, chuyển thành huyện Côn Đảo thuộc Thành phố Hồ Chí Minh
  • Tháng 1 năm 1977, trở thành huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang
  • Tháng 5 năm 1979, trở thành quận Côn Đảo thuộc Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo
  • Tháng 10 năm 1991 đến nay là huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Giao thông

Nằm trên một thung lũng hình bán nguyệt ở tọa độ 106°36′10″ kinh độ Đông và 8°40′57″ vĩ độ Bắc. Cao độ trung bình khoảng 3 m so với mặt nước biển. Chiều dài từ 8 đến 10 km và chiều rộng từ 2 đến 3 km. Một mặt trông ra biển (Vịnh Đông Nam). Ba mặt còn lại vây quanh là núi, chính nơi đây tập trung toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả quần đảo. Từ đất liền có những chuyến du lịch thường xuyên ra Côn Đảo. Thị trấn Côn Đảo nằm ở khoảng giữa của sân bay Cỏ Ống và cảng Bến Đầm. (khoảng cách ước chừng khoảng 12 km). Thị trấn Côn Đảo là nơi tập trung dân cư, khu resort nghỉ dưỡng phục vụ du khách và các đơn vị hành chính của huyện Côn Đảo.

Đường biển: Từ Cảng Cát Lỡ – Vũng Tàu có thể đi đến Côn Đảo bằng tàu Côn Đảo 9 và Côn Đảo 10 lịch tàu chạy được cập nhật theo tháng và không thông báo hủy chuyển trước tất cả phụ thuộc vào điều kiện thời tiết . Thời gian đi từ Vũng tàu đến Côn Đảo khoảng 12 tiếng , quãng đường 97 hải lý hiện tại chưa có tàu cao tốc khai thác tuyến này . Cuộc sống người dân đảo phụ thuộc nhiều vào những chuyến tàu, nhất là trong những ngày gió bão tàu không chạy được hàng hóa không ra được đảo, Côn Đảo có thể rơi vào tình trạng thiếu lương thực, mọi sinh hoạt đều bị ảnh hưởng .

Đường hàng không: Năm 2011 đánh dấu sự phát triển của đường bay Côn Đảo khi hãng không Air Mekong thông báo mở đường bay Tp.HCM đi Côn Đảo , VASCO mở thêm đường bay Cần Thơ đi Côn Đảo và tăng thêm 01 chuyến từ TP.HCM đi Côn Đảo lên thành 04 chuyến ngày. Từ ngày 6/9/2011, Air Mekong đã mở thêm tuyến bay Côn Đảo – Hà Nội với tần suất 3 chuyến/tuần.

Côn Đảo là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam. Côn Đảo được nhiều du khách đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên (rừng và biển).

Côn Đảo được xem là hòn đảo du lịch với những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, làn nước trong xanh mát lạnh, bãi cát dài phẳng mịn. Không khí trên đảo thật trong lành, được ví như thiên đường nghỉ dưỡng.

Côn Đảo có rừng nguyên sinh và biển được bảo tồn đa dạng sinh học, đây không chỉ là nơi nghiên cứu của các nhà khoa học mà còn là nơi để các bạn đến để du lịch khám phá, với các chương trình di lịch sinh thái.

Đảo Côn Đảo của Việt Nam vừa được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet (Anh) bầu chọn là 1 trong 10 hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới năm 2011.

ĐĂNG KÝ HỌC NGAY

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here