Trong mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đều cần có những tố chất, những năng khiếu nhất định để thành công. Bạn sẽ chỉ làm được việc khi bạn không có những tố chất, nhưng khi bạn có những tố chất đó thì bạn sẽ là người giỏi, người xuất sắc trong lĩnh vực mà bạn đang làm.
Nghề hướng dẫn viên du lịch cũng vậy, để thành công với nghề du lịch bạn cần phải có những tố chất nhất định. Vậy những tố chất đó là gì? Hocodau.edu.vn xin giới thiệu với các bạn: “8 tố chất cần có giúp bạn thành công trong nghề hướng dẫn viên du lịch”
1. Bạn là người có duyên nghề?
Bạn yêu thích nghề du lịch, muốn làm hướng dẫn viên du lịch nhưng lại mặc cảm và nghĩ rằng để làm hướng dẫn viên du lịch thì phải là những cô gái đẹp, những chàng trai dễ thương?
Có lẽ bạn đang nhầm và hơi tự ti về bản thân thôi. Bạn nên biết rằng, trong nghề hướng dẫn viên du du lịch, người ta cần người có “duyên nghề” nhiều hơn là người đẹp. Tác phong linh hoạt, sống động, vẻ mặt tươi tắn, thân thiện, ánh mắt biểu cảm, thái độ giúp đỡ, quan tâm, kiến thức vững vàng, ứng xử thông minh, khéo léo… sẽ khiến áp lực về một vẻ ngoài không được tự tin của bạn trở thành… chuyện nhỏ. Như vậy bạn không nên quan niệm rằng hướng dẫn viên du lịch chỉ dành cho những người xinh đẹp.
Nếu một ngày dạo bước trên địa điểm du lịch, bạn thấy một cô hướng dẫn viên du lịch đeo thẻ rất tự tin, dù bạn ngầm thấy cô ấy còn “thua xa” bạn về mặt hình thức, cô ấy đang dẫn và thuyết minh cho một đoàn khách nước ngoài, thì bạn sẽ thầm tiếc vì đã nghĩ mình không thể làm đúng công việc cô ấy đang làm.
Hãy tự tin về bản thân mình nhé, ai cũng có một duyên ngầm nào đó – chỉ có điều khi nào thì bộc lộ thôi.
2. Bạn là người nhạy cảm?
Người nhạy cảm thường rất quan tâm đến những người xung quanh, hay đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thông cảm và chia sẻ nỗi buồn, nhân lên niềm vui, để nắm bắt ý nghĩ và tình cảm của người khác, ứng xử một cách “tâm lý”, biết lắng nghe nhiều hơn, và biết im lặng khi cần thiết…
Một người làm trong ngành du lịch, thường xuyên phải tiếp xúc với khách mà thiếu nhạy cảm sẽ rất dễ “vô duyên” trong giao tiếp, ứng xử, thiếu linh hoạt trong công việc nên kém hiệu quả, không “lấy” được tình cảm của khách, càng không thể hướng họ đến với sự hài lòng một cách tự nhiên.
Hãy nhạy cảm – tinh tế – tế nhị trong cách giao tiếp ứng xử với khách du lịch.
3. Bạn là người hoạt ngôn?
Từ hoạt ngôn dành cho những người “mau mồm mau miệng”, khéo léo trong lời ăn tiếng nói, tự nhiên trong hành văn, “nói dễ nghe”, “nói lọt lỗ tai”, “nói đến kiến trong lỗ cũng bò ra”… Đây không hoàn toàn là năng khiếu có tính chất bẩm sinh. Bởi vì ngoài chất giọng tốt, khả năng tư duy nhanh, sáng thì những gì bạn thể hiện ra thành ngôn từ còn mang đậm dấu ấn xã hội. Điều này nghĩa là bạn có thể học tập, rèn luyện kỹ năng “nói”.
Bạn phải học cách nói sao cho hấp dẫn, lôi cuốn người nghe một cách tự nhiên, truyền cảm dù là sử dụng ngôn ngữ nào.
Hãy học cách phân tích được rõ ràng vấn đề tìm được nguyên nhân hay nhân tố cơ bản của vấn đề, thuyết minh được phương án giải quyết vấn đề một cách phù hợp nhất. Còn gì đáng nể hơn nếu khách hàng nhất loạt nghe theo ý kiến của ta, khi mà trước đó, có 30 khách thì đến 29 ý kiến khác nhau.
Tuy nhiên, chỉ “hoạt ngôn” thì chưa đủ, cẩn thận, kẻo bạn là hình ảnh trong câu nói “chỉ được cái khéo mồm” đấy.
Hãy hoạt ngôn một cách thông minh các bạn nhé.
4. Bạn là người hài hước?
Trong công việc cũng như trong cuộc sống rất cần những giây phút lạc quan và hài hước. Đó chính là liều thuốc tâm lý rất tốt trong những lúc căng thẳng và mệt mỏi. Vậy, trong “nghề hướng dẫn viên du lịch”, đặc biệt là những công việc tiếp xúc với khách hàng, giao tiếp công chúng, lẽ nào lại thiếu “óc hài hước”?
Hài hước giúp bạn rút ngắn khoảng cách xa lạ giữa bạn và khách, giúp bạn có một hình ảnh dễ mến và thân thiện trong con mắt của mọi người, giúp chính bạn tự tin hơn khi tác nghiệp và phủ lấp cả những khiếm khuyết về ứng xử, giao tiếp hay lỗi kiến thức
Tuy vậy, đó cũng là con dao hai lưỡi. Lạm dụng sự “hài hước” trong công việc và ứng xử xã giao có thể dẫn đến sự thiếu tôn trọng khách, vô tình xúc phạm khách hay biểu hiện quá trớn. Ngược lại, bạn cũng không còn được tôn trọng nữa.
Hãy hài hước một cách thông minh các bạn nhé.
5. Bạn là người “biết tuốt”?
Nghề hướng dẫn viên du lịch đòi hỏi sự hiểu rộng, biết nhiều. Vì vậy, quan tâm sâu cũng sẽ rất cần, nhưng bạn nên quan tâm rộng trước tiên. Tức là bạn cần có một “phông” kiến thức rộng rãi và phong phú. Bạn cần am hiểu về lịch sử, địa lý, con người, văn hóa phong tục tập quán của từng địa phương. Có như vậy bạn mới giới thiệu hết được những nét hay, đẹp đặc sắc của từng vùng, miền, danh thắng với khách du lịch.
Hiểu biết nhiều khiến bạn dễ chủ quan rằng mình đã “biết tuốt”, nên phải thận trọng, bởi “lời nói ra không lấy lại được”. Hãy luôn rèn luyện khả năng “lắng nghe”, đồng thời không ngừng trau dồi tri thức.
Hãy biết nhiều biết rộng. Nhưng phải nói đúng nói chính xác. Đừng nhầm lẫn:” râu ông nọ cắm cằm bà kia”
6. Bạn là người khoẻ mạnh và không say tàu xe?
Là hướng dẫn viên bạn sẽ phải đi lại nhiều di chuyển liên tục dài ngày, điều đó đòi hỏi bạn phải có một cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai. Bạn hãy chăm tập luyện thể thao để có một cơ thể khỏe mạnh và một body đẹp. Ngoài ra bạn cần có một chế độ ăn uống hợp lý để nạp năng lượng. Đừng lạm dụng các chất kích thích như rượu bia thuốc lá – giao lưu có chừng mực làm chủ bản thân.
Vì di chuyển đi lại nhiều chắc chắn phương tiện đi lại đa số sẽ là ô tô, tàu hỏa, tàu thủy hoặc máy bay. Chắc chắn sẽ có bạn bị say nếu như đó là những lần đầu tiên. Hãy luyện tập để một lúc nào đó, bạn chợt nhận ra, mùi xăng tàu xe không còn là nỗi ám ảnh của bạn nữa. Xin bạn hãy coi đây là lời khuyên của chính những người đã từng trong tình trạng như bạn, và bây giờ, đang vững chãi đứng thuyết minh hàng giờ đồng hồ liên tục trong những chuyến lữ hành.
7. Bạn là người kiên nhẫn?
Trong bất cư công việc gì thì cũng đều cần đến sự kiên nhẫn, hướng dẫn viên du lịch cũng không là ngoại lệ.
Nhiều người không ưa sự nhàm chán trong công việc nên tìm đến với du lịch. Sau những ấn tượng ban đầu, họ chợt nhận ra một sự nhàm chán khác xuất hiện. Đó là sự lặp lại của quy trình, tổ chức thực hiện “tua”, tuyến điểm, các quy định lễ nghi… Nên bạn sẽ khó trụ lại nghề nếu không có sự kiên nhẫn. Điều quan trọng là bạn phải biết tự làm mới bản thân và công việc của mình.
Hãy kiên nhẫn và biết tự làm mới bản thân trong công việc.
8. Bạn là người độc lập?
Hướng dẫn viên du lịch như một người làm dâu trăm họ vì vậy bạn cần phải có khả năng làm việc độc lập, đặc biệt trong những tình huống khó khăn. Người hướng dẫn viên không những lo cho mình, mà cả đoàn khách, và nhiều vấn đề khác. Ngoài những giao dịch cần thiết, phần nhiều thời gian, hướng dẫn viên phải làm việc và quyết định độc lập.
Vì thế, nếu bạn đã chọn du lịch, hãy tập cho mình thói quen suy nghĩ và làm việc tự chủ ngay từ bây giờ.
Để rèn luyện tính độc lập, từ bây giờ, bạn hãy thử là xem mình sẽ giải quyết một vấn đề như thế nào nếu chỉ có một mình, ngay cả khi bạn không làm việc đó một mình.
Hãy tập tự tạo ra tình huống và tự đưa ra cách giải quyết.
9. Bạn là người yêu nghề?
Hãy làm việc một cách đam mê và yêu nghề. Bởi chỉ thực sự lòng yêu nghề mới giúp ta vượt qua tất cả, phải không bạn?
Ngoài 9 yếu tố trên thì người hướng dẫn viên cũng cần nhiều kỹ năng khác, rất mong được các anh chị – thế hệ hướng dẫn viên đi trước chia sẻ lại để cho mỗi hướng dẫn viên hoàn thiện hơn trong nghề du lịch.
Chúc các bạn trở thành những hướng dẫn viên du lịch xuất sắc và luôn luôn yêu quý công việc.