Reading hay đọc hiểu một trong bốn kỹ năng quan trọng đối với bất kỳ người học tiếng Anh nào. Bên cạnh từ vựng, người đọc hiểu tiếng Anh còn cần tiếp thu những cấu trúc ngữ pháp phức tạp, các thành ngữ và slang (từ lóng địa phương). Thành thạo tiếng Anh với kỹ năng đọc hiểu sẽ giúp bạn kết nối với ngôn ngữ này ở chiều sâu hơn, và bạn có thể đọc sách, báo ngoại văn lưu loát, từ đó, hiểu thêm về văn hóa, tập quán của các nước nói tiếng Anh. Sau đây là những phương pháp cần áp dụng để nâng cao kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh hiệu quả.
Sử dụng gợi ý từ bài đọc
Mỗi khi bắt đầu đọc và gặp phải từ vựng khó, thay vì chỉ cố định nghĩa từ đó một cách rời rạc, bạn nên tìm đến các gợi ý qua những từ liên quan và câu văn phía trước hoặc phía sau. Xác định thành phần câu và loại từ, ví dụ đâu là chủ ngữ, động từ, vị ngữ, hay đâu là danh từ, động từ, tính từ. Hầu hết trong các đoạn văn tiếng Anh, câu mở đầu hoặc cuối sẽ là câu chủ đều, các câu giữa giải thích và bổ trợ ý nghĩa cho đoạn văn đó. Bạn cũng có thể bắt gặp định nghĩa của từ khó được viết lại bằng cách khác ngay ở câu văn tiếp theo.
“Giải mã” từ
“Giải mã” từ là phân tách từ vựng đó thành từng phần để xác định nghĩa. Cách này được áp dụng khi từ có bao gồm các prefix (phần trước từ) và suffix (phần sau từ). Các prefix và suffix này thường có nghĩa cố định, và khi ghi nhớ chúng, bạn có thể đoán khái quát được ý nghĩa của một từ. Ví dụ, trong từ “nonfiction”, “non” là phần prefix, có nghĩa là “không”, như vậy khi bạn biết được “fiction” là loại văn học hư cấu, thì sẽ suy luận được “nonfiction” là văn học không hư cấu, hay văn học thực tế.
Đọc từ điển tiếng Anh
Thực tế, sử dụng từ điển thường xuyên là một cách hữu hiệu để nâng cao kỹ năng đọc hiểu. Thay vì từ điển Anh-Việt, hãy mạnh dạn chọn các từ điện Anh-Anh của nhà xuất bản Oxford, Cambridge, Macmillan. Đừng lo lắng cho rằng vốn từ của bạn chưa đủ để hiểu các định nghĩa của từ điển Anh-Anh. Hầu hết những định nghĩa này đều được giảng giải một cách dễ hiểu và có ví dụ đi kèm. Nguyên tắc khi đọc từ điển đó là, đừng chỉ tra từ và nghĩa, mà nên tìm hiểu từ đó là loại từ gì, nếu là động từ thì các hình thức chia từ ra sao, đâu là từ đồng nghĩa, và có các cụm từ nào liên quan cần nhớ.
Thảo luận về các bài đọc
Đừng chỉ đọc một cách cứng nhắc, những thông tin trong các bài đọc hiểu tiếng Anh có thể là chủ đề thú vị và bổ ích cho các cuộc hội thoại và thảo luận. Bạn có thể đồng thời luyện kỹ năng speaking – nói tiếng Anh theo cách này. Ví dụ, khi đọc một bài đọc về chủ đề Clothes (Quần áo), bạn có thể cùng nhóm bạn trao đổi về các câu hỏi liên quan như: Xu hướng thời trang hiện tại khác 10 năm trước như thế nào? Có nên ủng hộ thời trang “sạch”? Chất liệu quần áo có lợi cho môi trường là gì?. Bạn cũng có thể đơn giản bắt đầu cuộc hội thoại bằng cách tóm tắt những thông tin hữu ích đã đọc được trong bài đọc và chia sẻ cùng bạn bè.
Xây dựng thói quen đọc mỗi ngày
Hình thành thói quen đọc tiếng Anh mỗi ngày sẽ giúp kỹ năng đọc hiểu của bạn được nâng cao. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, chúng ta cần mất ít nhất 66 ngày để xây dựng một thói quen mới. Bạn có thể lên kế hoạch đọc một bài đọc tiếng Anh mỗi buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ, từ 30 phút đến một tiếng. Không nhất thiết phải là các bài tập đọc hiểu, bạn có thể đọc những mẩu tin tức ngắn trên báo tiếng Anh, truyện và tiểu thuyết tiếng Anh. Sau khi đã xác định được thời gian, hãy đều đặn thực hiện hàng ngày cho đến khi thói quen được hình thành.