Trang chủ TIN TỨC Blog Du Lịch Tuyến điểm du lịch TPHCM – Đồng Nai – Bình Dương –...

Tuyến điểm du lịch TPHCM – Đồng Nai – Bình Dương – Bình Phước P1

1326
0

TUYẾN ĐIỂM DU LỊCH TPHCM – ĐỒNG NAI (30km) – BÌNH DƯƠNG (30km) – BÌNH PHƯỚC (114km). TIỂU VÙNG DU LỊCH ĐÔNG NAM BỘ 

Tổng quan về Đồng Nai

Vị trí địa lý giao thông

Đồng Nai là tỉnh nằm trong khu vực miền Đông Nam Bộ của Việt Nam, vùng đất nối liền giữa Nam Bộ, cực nam Trung Bộ và nam Tây Nguyên. Tỉnh Đồng Nai nằm ở cực bắc miền Đông Nam Bộ, có toạ độ địa lý từ 10o30’03 đến 11o34’57’’vĩ độ Bắc và từ 106o45’30 đến 107o35’00 kinh độ Đông.

Đồng Nai có diện tích 5.862,37 km2, bằng 1,76% diện tích tự nhiên của cả nước và 25,5% diện tích tự nhiên vùng Đông Nam Bộ, giữ vị trí quan trọng trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước.

Đồng Nai giáp các tỉnh: phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận; phía Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh; phía Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Bình Phước; phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 173 phường, xã, thị trấn: Thành phố Biên Hoà; Thị xã Long Khánh; Huyện Tân Phú; Huyện Định Quán ; Huyện Xuân Lộc; Huyện Cẩm Mỹ; Huyện Long Thành; Huyện Nhơn Trạch; Huyện Thống Nhất; Huyện Trảng Bom; Huyện Vĩnh Cửu.

Đồng Nai có vị trí hết sức quan trọng, là cửa ngõ phía đông thành phố Hồ Chí Minh – một trung tâm kinh tế lớn của cả phía Nam, nối Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên với toàn bộ vùng Đông Nam Bộ bởi các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 1A, quốc lộ 51 và tuyến đường sắt Thống Nhất… Vì thế, Đồng Nai được coi như là “bản lề chiến lược” giữa bốn vùng của các tỉnh phía Nam. Nó không chỉ có vai trò trọng yếu trong phát triển kinh tế, mà còn có ý nghĩa đặc biệt về kinh tế kết hợp an ninh quốc phòng và môi trường của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Địa hình khí hậu

Tỉnh Đồng Nai có địa hình vùng đồng bằng và bình nguyên với những núi sót rải rác, có xu hướng thấp dần theo hướng bắc nam.

Tỉnh Đồng Nai có quỹ đất phong phú và phì nhiêu. Có 10 nhóm đất chính.

Khí hậu Đồng Nai là khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có hai mùa tương phản nhau (mùa khô và mùa mưa). Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau (khoảng 5 – 6 tháng), mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 (khoảng 6 – 7 tháng). Khoảng kết thúc mùa mưa dao động từ đầu tháng 10 đến tháng 12.

Dân số

Tỉnh Đồng Nai là địa bàn có thành phần dân tộc cộng cư khá đông đảo. Theo số liệu thống kê, có trên 30 dân tộc sinh sống ở đây qua nhiều thời kỳ lịch sử. Trước năm 1698, người Việt và người Hoa đã đến vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai sinh sống nhưng không nhiều. Các cư dân được xem là bản địa là Chơro, Mạ, Kơho, Xtiêng.

Dân số của tỉnh Đồng Nai năm 2009 là: 2.483.211  người. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có các dân tộc sinh sống xếp theo dân số từ cao đến thấp là: Việt (chiếm số đông đảo nhất), kế đến là người Hoa, Nùng, Tày, Chơro, Dao, Mường, Khơme, Chăm, Mạ, Stiêng, Thái, Kơho, Sán Dìu, Thổ và một số dân tộc khác như Hmông, Giarai, Ngái, Êđê, Bana, Hrê, Raglai, Bru Vân kiều, Giáy, Cơtu, GíeTriêng, Tà Ôi, Kháng, Xinh Mun, Chu ru, Lào, La Chí, La Ha, Phù Lá, Mảng, Bố Y, Si la, Pu péo…nhưng số lượng không đáng kể.

Điểm du lịch 

  • Làng bến gỗ: Từ ngã ba vũng Tàu đi theo Quốc lộ 51 gần 4 km du khách sẽ đặt chân tới một vùng văn hóa trên dưới ba trăm năm tuổi.
  • Đình thờ Phú Mỹ: Ra khỏi thị trấn Long Thành 2km, ở ngã ba chợ Chiều mở ra con đường nhựa chênh chếch về hướng tây nam dẫn du khách đến xã Phú Hội anh hùng.
  • Chiến khu rừng sát và đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch: Rừng Sác là một vùng rừng ngập mặn hàng ngàn km vuông nằm ở phía Đông Nam tỉnh Đồng Nai, thuộc địa phận các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, ăn thông một dải với rừng Sác Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh).
  • Khu di tích cù lao giấy: Khu du lịch Cù Lao Giấy, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch là điểm du lịch hấp dẫn du khách hiện nay. Đây là vùng sông nước miệt vườn với cây cối xanh tươi. Đúng như tên gọi, khu vực này trồng nhiều bông giấy và có cả nhà máy sản xuất giậy.
  • Thác Trời: Khu du lịch sinh thái Thác Trời cách trung tâm Huyện Xuân Lộc 29 km. Nơi đây là một bức tranh hùng vĩ và hoang sơ của núi rừng, nơi con sông La Ngà đổ qua nhiều bậc đá.
  • Khu du lịch núi chứa chan: Từ TP.Biên Hòa theo quốc lộ 1 ra Hà Nội gần 80km, du khách sẽ đến với núi Chứa Chan ở Thị Trấn Gia Ray – Huyện XuânLộc.
  • Mộ cổ hàn gòn: Từ huyện Long Khánh đi dọc Quốc lộ 1 chừng vài km tới ngã ba Tân Phong , xã Xuân Tân (Long Khánh), tiếp tục đi theo Quốc lộ 56 về hướng Bà Rịa vũng Tàu, chỉ khoảng 3 km, du khách sẽ đến  Mộ cổ Hàng Gòn. Năm 1910, người Pháp lập đồn điền cao su, phá rừng và phát hiện ra Mộ cổ Hàng Gòn.
  • Đá ba chồng: Đá Ba Chồng nằm  giữa khu vực dân cư sầm uất của huyện Định Quán, cạnh Quốc lộ 20. Sau hàng triệu năm dãi dầu mưa nắng, ba lần ngâm mình dưới biển khi biển tràn vào, chứng kiến hàng trăm ngọn núi lửa hoạt động dữ dội, Đá Ba Chồng như ba tảng đá xếp chồng lên nhau khá chênh vênh vẫn đứng đó, tạo ra một cảnh quan hùng vĩ.
  • Khu du lịch thác mai – hồ nước nóng: Bắt nguồn từ cao nguyên Langbian, sông La Ngà uốn lượn qua nhiều vùng đồi núi chập chùng, vượt bao ghềnh bãi, để rồi hòa vào dòng nước con sông lớn Đồng Nai. Thác Mai là một trong những thắng cảnh cuả sông La Ngà trên con đường hợp dòng gian nan ấy.
  • Thác ba giọt: Điểm du lịch sinh thái Thác Ba Giọt nằm trên sông La Ngà, cách Quốc lộ 20 gần 8 cây số, thuộc xã Phú Vinh, huyện Định Quán, là một vùng có địa hình đẹp, diện tích khoảng 20km với các khu vực vui chơi giải trí trên mặt hồ và sông nước.
  • Vườn quốc gia Cát Tiên: Vườn Quốc Gia Cát Tiên, với diện tích 74.320ha, thuộc xã Đaklua, huyện Tân Phú, là một trong những vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam, được UNESCO công nhận là khu sinh quyển của thế giới.
  • Suối mơ: Khu du lịch Suối Mơ nằm trên địa phận xã Trà Cổ, huyện Tân Phú.
  • Hồ Đa Tôn: Hồ Đa Tôn thuộc xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú.
  • Thác Hoà Bình: Thác Hòa Bình nằm cạnh Chùa Linh Phú (Km 140 – Quốc lộ 20, thuộc xã Phú Sơn, huyện Tân Phú).
  • Thác đá hàn: Điểm du lịch sinh thái Thác Đá Hàn cách Quốc lộ 1 khoảng  6 cây số về phía Bắc, thuộc địa phận ấp 5, xã Sông Trầu, huyện Thống Nhất.
  • Huyền thoại thác trị an: Thác Trị An nằm cách thành phố Biên Hòa 30 km theo đường 24, có bề ngang rộng 300mét với dòng chảy xiết giữa đôi vách đá xám phủ cây xanh rậm rạp.
  • Khu du lịch đảo ó – đảo đồng trường: Nói đến Trị An chúng ta nghĩ ngay đến công trình thủy điện hình thành từ đầu năm 1980. Dòng nước từ cao nguyên đổ về được ngăn lại thành một hồ rộng mênh mông với những hòn đảo như những viên ngọc trên mặt nước. Trong đó Đảo ó (2,1ha)- Đảo Đồng Trường (22ha) là hai hòn đảo liền kề nhau như đôi bạn tâm giao trong phong cảnh “sơn thủy hữu tình”.
  • Di tích căn cứ khu ủy miền đông (chiến khu D): Thuộc địa phận Lâm trường Hiếu Liêm, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu. Chiến khu Đ là căn cứ kháng chiến nổi tiếng ở miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam.
  • Cù Lao Phố: Từ thác Trị An chảy ra biển đông, dòng chảy sông Đồng Nai để lại nhiều cù lao lớn nhỏ trong đó ở địa phận Biên Hòa dòng chảy bỗng chia ra làm hai nhánh ôm trọn một dải đất. Đó chính là Cù Lao Phố hay còn gọi là Nông nại Đại Phố- nay là xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa với diện tích 6,93km2.
  • Chùa Đại Giác: Chùa Đại Giác nằm trên địa phận xã Hiệp Hòa (Cù lao phố), là một trong ba ngôi chùa cổ nhất ở Biên Hòa, được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hai ngôi chùa còn lại là chùa Long Thiền (Nhơn Trạch) và chùa Bửu Phong (Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long).
  • Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh thuộc địa phận xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố).
  • Di tích lịch sử Chùa Ông: Chùa Ông thuộc địa phận xã Hiệp Hòa (Cù lao phố), thành phố Biên Hòa, cách đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh chỉ khoảng 100 mét. Trước đây Chùa là Miếu Quan Đế, ngày nay có tên chữ là Thất Phủ Cổ Miếu. Đây là ngôi chùa Hoa sớm nhất ở Nam bộ (khoảng năm 1684).
  • Khu du lịch làng bưởi Tân Triều: Một địa danh nổi tiếng gắn liền với đặc sản bưởi Biên Hòa, thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.
  • Trung tâm văn hóa du lịch Bửu Long: Chỉ cách trung tâm thành phố Biên Hoà 6 km, Khu du lịch Bửu Long và hồ Long Ẩn như một bức tranh thu nhỏ của vịnh Hạ Long.
  • Văn miếu Trấn Biên: Năm 1715, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký Lục Phạm Khánh Đức chọn thôn Tân Lại, tổng Phước Vĩnh (nay là phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) để xây dựng Văn miếu Trấn Biên.
  • Toà nhà lầu của ông phủ Võ Hà Thanh: Qua cổng chính Khu du lịch Bửu Long (đường 24), du khách sẽ đến được nhà ông phủ Thanh – tòa nhà nổi tiếng được xây dựng cách nay hơn ba phần tư thế kỷ theo lối kiến trúc Pháp.
  • Làng gốm Tân vạn – Hóa An”: Theo quốc lộ 1A, du khách từ hướng Thành phố Hồ Chí Minh tới đầu cầu Đồng Nai rồi rẽ trái, đi thêm khoảng 1km thì tới làng gốm Tân Vạn.
  • Đền thờ nguyễn Tri Phương: Nguyễn Tri Phương là một dũng tướng mưu trí thao lược cuối thế kỷ 19, cũng là người có công trong việc lập đồn điền, khai hoang lập ấp ớ các tỉnh Nam Bộ. Sau khi ông mất, để tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc vị anh hùng, nhân dân Biên Hòa đã xây ngôi đền thờ tại làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên (nay là phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa). Đền đã được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1992.
  • Nhà lao Tân Hiệp: Từ trung tâm thành phố Biên Hòa, đi theo Quốc lộ 1 khoảng 3km về phía Bắc, sẽ thấy Nhà lao Tân Hiệp. Nhà lao thuộc phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, nay được gọi là Trung tâm Cải huấn Biên Hòa.
  • Di tích nhà xanh: Từ trung tâm thành phố Biên Hòa, theo Quốc lộ 15 tới ngã ba Máy Cưa, rẽ tay phải  khoảng 500m, du khách sẽ tới Nhà Xanh, nơi trước đây là Sở chỉ huy Tiểu khu Biên Hòa của thực dân Pháp.
  • Lăng mộ trịnh hoài đức: Lăng mộ Trịnh Hoài Đức nằm giữa Quốc lộ 1 và đường Nguyễn Văn Trỗi, thuộc phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa.
  • Đền thờ đoàn Văn Cự: Đền thờ thuộc địa phận phường Tam Hiệp, bên quốc lộ 15 được xây dựng năm 1956, có diện tích khoảng 3.000m2. Đền là nơi nhân dân tôn thờ Đoàn Văn Cự – thủ lĩnh hội kín “Thiên Địa Hội” ở Biên Hòa và 16 nghĩa binh đã tử trận trong cuộc tấn công của Pháp vào Bưng Kiệu năm 1905.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây