Trang chủ Blog Du Lịch Tuyến điểm du lịch Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh

Tuyến điểm du lịch Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh

1595
0

TUYẾN ĐIỂM DU LỊCH VIỆT NAM – VÙNG NAM BỘ VÀ NAM TRUNG BỘ . TRUNG TÂM DU LỊCH TPHCM

Tuyến điểm du lịch Việt Nam được chia ra làm nhiều phần khái quát nhất để các bạn nắm bắt được sơ lược về các tuyến điểm du lịch vủa Việt Nam ta. Sau phần về tuyến điểm là sẽ tới phần viết chi tiết về các địa danh, vùng miền. Rất mong các bạn quan tâm theo dõi

TRUNG TÂM DU LỊCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (SÀI GÒN)

Khóa học city tour lớp hướng dẫn viên du lịch 04

SỰ HÌNH THÀNH VÙNG ĐẤT SÀI GÒN QUA CÁC GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ

Trước 1698

Trước khi Chúa Nguyễn thiết lập bộ máy cai trị (1698) thì Sài Gòn – Gia Định còn là một vùng đất hoang vu, rừng rậm, sông nước, xen lẫn những gò đất cao nằm trong vùng đất mới, rộng lớn, mênh mông ở phía Nam trải dài tới biển Đông.

Cách đây khoảng 3000 – 4000 năm trên vùng đất này đã có những nhóm cư dân cổ sinh sống với nhiều nền văn hóa từ thời kỳ đồ đá cho đến thời kỳ kim khí. Những cư dân cổ từng sinh sống trên vùng đất Sài Gòn từ nhiều thiên niên kỷ trước đã biết canh tác nông nghiệp và bắt đầu chinh phục vùng đất thấp ở phía nam và phía đông nam. Lúc bấy giờ cuộc sống con người ở đây hết sức tự do, không có lãnh thổ quốc gia, không có địa giới hành chánh và cũng chưa có khái niệm về vùng đất “Sài Gòn.”

Sài Gòn vào thế kỷ 16 – 17

Mãi đến giữa thế kỷ 17, vào thời Chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) được đặc quyền cai trị đất Đàng trong, đã bắt đầu công cuộc di dân người Việt đến khai phá vùng đất mới phía Nam. Vùng đất Sài Gòn lúc bấy giờ ở vị thế trung tâm vùng đất mới, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống, là một trong những nơi mà nhóm dân cư Việt đầu tiên đến đây định cư.

Đến năm 1623 Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho đặt trạm thu thuế thương chính đầu tiên tại Sài Gòn và Bến Nghé. Đây là dấu hiệu ban đầu xuất hiện hình thức kiểm soát của nhà nước trên vùng đất Sài Gòn xưa.

Tháng 3 năm 1679 Chúa Nguyễn lại cho lập đồn binh Tân Mỹ (vùng chợ Thái Bình, quận I ngày nay). Quyền lực nhà nước của Chúa Nguyễn được áp đặt vào vùng đất mới phía Nam chuẩn bị cho việc hình thành bộ máy cai trị. Cho đến thời điểm này, vùng đất mới phía Nam vẫn chưa phân định địa giới hành chánh. Song Sài Gòn đã giữ vị trí trung tâm vì quyền lực cai trị vùng đất phía Nam tập trung ở đây.

Sài Gòn buổi ban đầu

Năm 1698 là mốc lịch sử đánh dấu sự khai sinh vùng đất Sài Gòn xưa, khi Thống xuất chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh Chúa Nguyễn vào Nam kinh lược lập ra phủ Gia Định để cai quản vùng đất mới phía Nam và lập ra hai huyện đầu tiên Phước Long và Tân Bình thuộc phủ Gia Định. Diện tích phủ Gia Định lúc này khoảng 30.000km2.

Huyện Tân Bình được lập ra từ xứ Sài Gòn với dinh Phiên Trấn và những đơn vị hành chánh cơ sở đầu tiên (lân, làng, phường, xã, thôn, ấp) là hình dáng Sài Gòn trong buổi ban đầu.

Sài Gòn thế kỷ 18

Trong suốt thế kỷ 18, thời Sài Gòn thuộc Gia Định phủ (1698-1802) thì địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ngày nay gồm địa phận hai tổng Bình Dương và Tân Long của huyện Tân Bình, (thuộc Dinh Phiến Trấn) và trên một nửa địa phận tổng Bình An (tức huyện Thủ Đức) của huyện Phước Long thuộc Dinh Trấn Biên. Năm 1795, Le Brun vẽ bản đồ vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn có ghi vị trí thành Bát Quái, các phố thị Minh Hương, Bến Nghé rồi đặt tên chung là Thành phố Sài Gòn. Có thể hình dung tổng quát vào cuối thời Gia Định phủ, địa bàn Thành Phố (nay) được phân biệt bởi hai vùng với hai bộ mặt khác nhau: vùng chợ nằm trong vòng “cổ lũy” và vùng quê đất rộng, thưa dân thuộc các tổng Bình Dương, Tân Long, Bình An.

Sài Gòn thời Gia Định Trấn và Gia Định Thành (1802-1832)

Sau khi chiến thắng Tây Sơn lấy lại kinh thành Phú Xuân – Huế (năm 1802), Nguyễn Ánh bỏ Gia Định kinh, đổi Gia Định phủ thành Gia Định trấn và đến năm 1808 lại đổi Gia Định trấn ra Gia Định thành, các “dinh” đều đổi thành “trấn”. Gia Định thành thống quản năm trấn (toàn Nam Bộ). Dinh Phiên Trấn đổi thành trấn Phiên An. Huyện Tân Bình đổi thành phủ, 4 tổng của huyện Tân Bình nâng lên thành huyện lập ra nhiều tổng mới. Thời kỳ này địa bàn thành phố nay bao gồm địa phận của 2 tổng Bình Trị, Dương Hòa của huyện Bình Dương và 2 tổng Tân Phong, Long Hưng của huyện Tân Long (4 tổng trên đều thuộc phủ Tân Bình, trấn Phiên An), phần còn lại là địa phận của tổng An Thủy – Huyện Bình An và một phần của tổng Long Vĩnh – huyện Long Thành (thuộc phủ Phước Long – trấn Biên Hòa).

Từ sau 1820, dưới mắt của thương gia và phái bộ nước ngoài đã có một thành phố gồm hai đô thị lớn không kém gì kinh đô nước Xiêm ở cách nhau hai dặm, thành phố Sài Gòn (là Chợ Lớn nay) và thành phố Bến Nghé mới xây dựng. Họ gọi chung là thành phố Sài Gòn nơi đô hội cả nước lúc bấy giờ không đâu sánh bằng.

Sài Gòn thời Lục tỉnh Nam kỳ (1832-1862)

Từ sau năm 1832, Minh Mạng giải thể cấp Gia Định thành, chia năm trấn thành sáu tỉnh. Trấn Phiên An đổi thành tỉnh Phiên An, trấn Biên Hòa đổi thành tỉnh Biên Hòa.

Năm 1836, tỉnh Phiên An được đổi tên là tỉnh Gia Định có thêm một phủ mới là phủ Tây Ninh. Năm 1841, phủ Tân Bình lại lập thêm huyện Bình Long (lỵ sở tại Hốc Môn). Vì vậy, sau 1841, địa bàn thành phố (nay) nằm trên địa phận ba huyện Bình Dương, Bình Long, Tân Long (của phủ Tân Bình) và một phần đất của huyện Ngãi An và Long Thành thuộc phủ Phước Long tỉnh Biên Hòa.

Sài Gòn thời Pháp cai trị (1862-1955)

Địa bàn thành phố (nay) lúc này bao gồm địa giới của hai huyện Bình Dương, Tân Long của phủ Tân Bình, với phần đất đai của huyện Bình Long thuộc phủ Tây Ninh (tỉnh Gia Định) và cộng thêm trên một nửa địa phận huyện Bình An cùng với địa phận tổng Long Vĩnh Hạ, huyện Long Thành, cùng thuộc phủ Phước Long của tỉnh Biên Hòa.

Vùng đô thị Sài Gòn – Bến Nghé nằm trên đất của phủ Tân Bình, được xác lập ranh giới từ chùa Cây Mai đến rạch Thị Nghè, nằm trong kênh vành đai giáp tới sông Tân Bình (sông Sài Gòn nay) được qui hoạch là thành phố Sài Gòn (theo bản đồ Coffin năm 1862). Năm 1865 qui hoạch “Thành phố Sài Gòn” lại được chia thành hai thành phố: Thành phố Sài Gòn ở về phía Đông địa bàn thành phố cũ, tức vùng Bến Nghé xưa nơi có tỉnh thành Gia Định và thành phố Chợ Lớn, vùng trước đây gọi là “Phố thị Sài Gòn”. 

Sài Gòn thời kỳ 1956-1975

Trong khoảng 20 năm (1955-1975), thành phố Sài Gòn cũng có nhiều biến đổi. Từ năm 1956, đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành thủ đô chính quyền ở miền Nam, được quen gọi là “đô thành Sài Gòn”. Năm 1959, đô thành Sài Gòn được chia thành 8 quận hành chánh, mỗi quận chia ra nhiều phường. Tháng 12-1966, quận I thêm hai phường mới từ xã An Khánh (Gia Định) lập ra. Tháng 1-1967 tách hai phường mới của quận I (xã An Khánh cũ) lập thêm quận 9. Tháng 7-1969 lập thêm quận 10 và quận 11. Từ đấy đến năm 1975, đô thành Sài Gòn có 11 quận.

Tính đến trước ngày giải phóng (30-4-1975) thì địa bàn thành phố nay bao gồm 11 quận của đô thành Sài Gòn, toàn bộ địa phận tỉnh Gia Định, quận Củ Chi (tỉnh Hậu Nghĩa) và quận Phú Hòa (tỉnh Bình Dương).

Sài Gòn sau ngày thống nhất đất nước

Sau ngày thống nhất 30/4/1075 thành phố Sài Gòn – Gia Định trở thành Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn nhất của cả nước với tổng diện tích tự nhiên 1.295,5km2 bao gồm vùng nội đô Sài Gòn – Chợ Lớn với vùng ven đô và ngoại thành thuộc tỉnh Gia Định trước đây. Từ 11 quận nội thành được điều chỉnh lại còn 8 quận. Lập ra 4 quận mới: Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh (từ hai xã Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây), Tân Bình (từ xã Tân Sơn Hòa và Tân Sơn Nhì cũ). Diện tích các quận nội thành và ven đô là 142,7 km2 chia ra 267 phường. Khu vực ngoại thành gồm 5 huyện: Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè với tổng diện tích tự nhiên 1.152,8 km2 chia ra 77 xã.

Năm 1978, thành phố tiếp nhận thêm hai huyện Duyên Hải (nay đổi là Cần Giờ – là quận Quản Xuyên và Cần Giờ trước đây) của tỉnh Đồng Nai. Nhờ vậy, diện tích mở rộng thêm 714km2 và có bờ biển dài 15km. Huyện Cần Giờ rộng lớn nhưng chỉ có 39.000 dân (59 người/km2) sống rải rác trên 7 xã. Đây là nơi đời sống dân cư rất khó khăn, lúc đầu không có điện, không có nước ngọt, không có đường bộ…

Năm 1979, sau khi điều chỉnh đơn vị hành chánh cấp cơ sở, toàn thành phố có 261 phường, 86 xã. Đến năm 1989 thành phố điều chỉnh lại còn 182 phường và 100 xã, thị trấn. Năm 1997, sau đợt điều chỉnh tháng 4, toàn thành phố có 17 quận, 5 huyện với 303 phường xã, thị trấn.

Vị trí địa lý

Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong toạ độ địa lý khoảng 10 10′ – 10 38 vĩ độ bắc và 106 22′ – 106 054 kinh độ đông . Phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh , Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang.

Thành phố Hồ Chí Minh cách thủ đô Hà Nội gần 1.730km đường bộ, nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Ðông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á. Trung tâm thành phố cách bờ biển Đông 50 km đường chim bay. Đây là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng và là cửa ngõ quốc tế . Với hệ thống cảng và sân bay lớn nhất cả nước, cảng Sài Gòn với năng lực hoạt động 10 triệu tấn /năm. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với hàng chục đường bay chỉ cách trung tâm thành phố 7km.

Du lịch thắng cảnh

Với hệ thống 11 bảo tàng, thành phố Hồ Chí Minh là nơi có số bảo tàng nhiều nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước. Nội dung trưng bày của các bảo tàng khá phong phú, và không chỉ về lịch sử và văn hóa địa phương, mà của cả Nam bộ, quốc gia và khu vực Đông Nam Á, cung cấp nhiều kiến thức lý thú.

Trên 1.000 ngôi chùa, đình, đền và miếu được xây dựng qua nhiều thời kỳ cũng là những tài sản quý về văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật. Bạn sẽ tìm thấy những chùa Phật giáo Nam bộ tiêu biểu, những ngôi đình xưa gắn liền với lịch sử khẩn hoang mở đất. Bên cạnh đó là những chùa “cách tân” lớn nhất và đẹp nhất trong cả nước, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách hiện đại với kiến trúc chùa cổ truyền. Thành phố có đến nửa triệu người Hoa sống tập trung nên số chùa Hoa cũng nhiều nhất so trong nước, kiến trúc đa dạng và phong phú, nhiều chùa đã được công nhận di tích lịch sử – văn hóa của thành phố và quốc gia.

Người Pháp đã để lại nhiều công trình đẹp và đa dạng. Có thể nói hiếm có đô thị nào ở Đông Nam Á lại có nhiều dạng kiến trúc, nhiều trường phái, phong cách nghệ thuật phương Tây như Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh. Điển hình như trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố theo phong cách Đệ Tam Cộng hòa Pháp, Ngân hàng Nhà nước chịu ảnh hưởng trào lưu Tân Nghệ thuật, Nhà Thiếu nhi với phong cách Tân Cổ điển, Nhà Rồng phong cách Đông Dương, Bưu điện với trường phái Chiết Trung, nhà thờ Đức Bà với nghệ thuật Rôman, nhà thờ Huyện Sĩ theo Tân Gôtic…

Mảng kiến trúc đương đại, đang bùng nổ, trăm màu trăm vẻ, tạo cho thành phố một diện mạo vui mắt, trong đó có một số tòa nhà đẹp, có giá trị thẩm mỹ cao.

Bảo tàng

Hệ thống bảo tàng của thành phố Hồ Chí Minh gồm 11 bảo tàng cùng nhiều nhà lưu niệm, nhà truyền thống, phòng truyền thống ở các quận, huyện.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là bảo tàng lớn nhất, và cũng là bảo tàng đầu tiên của thành phố, ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20. Nhờ không ngừng sưu tầm và bảo quản được hiện vật qua các thời kỳ, nên Bảo tàng Lịch sử đã có một bộ sưu tập phong phú gần 30.000 hiện vật giá trị.

Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch, thu hút nhiều khách nội địa nhất. Trong khi đó, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh trưng bày về tội ác dã man của quân xâm lược Mỹ đối với nhân dân Việt Nam, là địa chỉ không thể thiếu trong chương trình tham quan của du khách nước ngoài.

  • Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM
    2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1
  • Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
    65 Lý Tự Trọng, quận 1
  • Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
    28 Võ Văn Tần, quận 3
  • Bảo tàng Hồ Chí Minh – TP.HCM
    1 Nguyễn Tất Thành, quận 4
  • Bảo tàng Tôn Đức Thắng
    5 Tôn Đức Thắng, quận 1
  • Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh
    2 Lê Duẩn, quận 1
  • Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ
    202 Võ Thị Sáu, quận 3
  • Bảo tàng Lực lượng Vũ trang miền Đông Nam bộ
    247 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình
  • Bảo tàng Mỹ thuật – TP.HCM
    97A Phó Đức Chính, quận 1

Chùa chiền

Có những ngôi chùa tiêu biểu của phong cách kiến trúc chùa Phật giáo cổ truyền ở Nam bộ với khung cảnh thanh nhàn, nội thất u nhã, và hàng chục pho tượng thờ, cột, bao lam gỗ chạm trổ tinh vi. Lại có những chùa xây dựng theo phong cách hiện đại nhưng lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống với nội thất cao rộng và sáng sủa, bài trí đơn giản, tôn nghiêm, kết cấu bêtông cốt thép nhưng vẫn giữ dáng dấp cổ truyền.

Bên cạnh đó là hàng trăm ngôi đình thờ Thành Hoàng gắn liền với lịch sử khai hoang mở đất. Hàng năm các đình tổ chức lễ kỳ yên vào mùa xuân, với các nghi thức tế lễ và ca múa cúng thần long trọng. Đền thờ các vị anh hùng dân tộc như đền Hùng Vương, đền Trần Hưng Đạo, Lăng Ông… không chỉ là những công trình kiến trúc đẹp mà còn là nơi tấp nập bá tánh đi lễ cầu phước lộc an khang.

Trên 30 chùa Hoa, thực chất là miếu, gắn liền với lịch sử định cư của Sài Gòn – Chợ Lớn xưa kia. Kiến trúc chùa Hoa với màu sắc rực rỡ, nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa sinh động, thư pháp rồng bay phượng múa, mỗi chùa một sắc thái riêng theo phong tục tập quán của năm nhóm ngôn ngữ Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Hẹ.

      Chùa Phật giáo xưa:

·         Chùa Giác Lâm
118 Lạc Long Quân, quận Tân Bình

·         Chùa Giác Viên
161/85/20 Lạc Long Quân, quận 11

·         Chùa Phụng Sơn
1408 Ba Tháng Hai, quận 11

      Chùa Phật giáo mới:

·         Chùa Vĩnh Nghiêm
339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3

·         Chùa Xá Lợi
89 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3

·         Nam Thiên Nhất Trụ
511 Nguyễn Văn Bi, quận Thủ Đức

      Đình:

·         Đình Phong Phú
Ấp Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú, quận 9

·         Đình Phú Nhuận
18 Mai Văn Ngọc, quận Phú Nhuận

      Đền:

·         Đền Hùng Vương
2B Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1

·         Đền Trần Hưng Đạo
36 Võ Thị Sáu, quận 1

·         Lăng Ông Lê Văn Duyệt
1bis Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh

      Chùa Hoa:

·         Chùa Ngọc Hoàng
73 Mai Thị Lựu, quận 1

·         Chùa Bà Thiên Hậu
710 Nguyễn Trải, quận 5

·         Nhị Phủ Miếu
264 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5

Nhà thờ

Các nhà thờ ở Sài Gòn chủ yếu xây dựng vào nửa sau thế kỷ 19. Nhìn chung, kiểu cách kiến trúc theo lối Pháp của giai đoạn này vừa kết hợp phong cách Rôman, Gôtic quen thuộc thời Trung cổ châu Âu. Có công trình xây dựng nhằm mục đích làm chỗ dựa tinh thần cho chính quyền thực dân Pháp, có nơi là công trình tôn giáo đáp ứng nhu cầu tâm linh của tín đồ bản xứ.

Nhà thờ có quy mô lớn nhất thành phố là nhà thờ Đức Bà xây dựng xong vào năm 1880, còn gọi là nhà thờ Nhà nước vì do chính quyền thuộc địa Pháp bỏ tiền ra xây dựng, là nơi diễn ra các cuộc lễ lạc chính thức, sau này mới chuyển về cho giáo phận Sài Gòn quản lý. Vào thời đó, nhà thờ Đức Bà được xem là lớn nhất trong các thuộc địa Pháp. Ngôi nhà thờ xây bằng gạch ngói Marseille, kính màu và khung sườn thép mang từ Pháp sang kết hợp với đá xanh Biên Hòa. Các ô cửa cuốn tròn kiểu Rôman cùng cung vòm gãy kiểu Gôtic gợi nhớ dạng thánh đường lớn ở Pari, Chartres, Reim.

Nhà thờ Tân Định nhỏ hơn, dành cho họ đạo người Việt, tiêu biểu của sự pha trộn nhiều phong cách khác nhau của kiến trúc nhà thờ Pháp do được xây dựng và nới rộng trong nhiều đợt. Nhà thờ Huyện Sĩ theo nguyên mẫu nhà thờ nhỏ ở Pháp. Nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn cũng thế, nhưng bên trong lại trang trí hoành phi liễn đối như đền miếu người Hoa.

Kiểu nhà thờ xây dựng vào thời kỳ sau này đã có nhiều nỗ lực đi tìm phong cách bản địa hơn. Điển hình là nhà thờ Vườn Xoài dung hòa được tính cách hiện đại và nét cổ Việt, với cửa tam quan, mái phủ lớn.

  • Nhà thờ Đức Bà
    Công xã Paris, Đồng Khởi, quận 1
  • Nhà thờ Tân Định
    289 Hai Bà Trưng, quận 3
  • Nhà thờ Huyện Sĩ
    1 Tôn Thất Tùng, quận 1
  • Nhà thờ Cha Tam
    25 Học Lạc, quận 5
  • Nhà thờ Chợ Quán
    120 Trần Bình Trọng, quận 5
  • Nhà thờ Vườn Xoài
    413 Lê Văn Sỹ, quận 3

Kiến trúc

Kiến trúc thời Pháp để lại nhiều công thự đẹp, hài hòa với cảnh quan, trở thành một nét thanh lịch riêng của thành phố.

Các công thự này rất đa dạng, gồm từ trụ sở các cơ quan hành chính của thành phố cho đến các bảo tàng, nhà hát, trường học,… thuộc khá nhiều trường phái và phong cách nghệ thuật khác nhau. Không ít những chi tiết của nghệ thuật Việt, Chăm, Khmer đã được đưa vào trang trí. Đặc biệt có những công trình kết hợp hài hòa kiến trúc phương Tây với những yếu tố bản địa thành một phong cách riêng gọi là kiến trúc Đông Dương, điển hình như Nhà Rồng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hay trường Lê Hồng Phong.

Kiến trúc Sài Gòn trước năm 1975 cũng để lại một số công trình giá trị, trong đó nổi bật trào lưu kiến trúc “nhiệt đới” nghĩa là chú ý đến yếu tố khí hậu nhiệt đới, cùng khuynh hướng nỗ lực thể hiện văn hóa nghệ thuật dân tộc trong kiến trúc đương đại. Những công trình nổi tiếng có Hội trường Thống Nhất, Thư viện Khoa học Tổng hợp, Ngân hàng Thương Tín, Viện Trao đổi Văn hóa Pháp IDECAF, một số chùa Phật giáo,…

Thời mở cửa, kiến trúc Sài Gòn bùng nổ. Công trình mới đa dạng, từ những tòa nhà cao tầng đến biệt thự, nhà phố theo công nghệ mới và nhiều ý tưởng mới. Cao ốc hàng chục tầng được xây dựng khá nhiều, trong đó, cao nhất là tòa nhà Trung tâm Thương mại Sài Gòn, 33 tầng, cao 128m. Một số công trình đẹp, được đánh giá có tính nghệ thuật cao.

Kiến trúc thời Pháp:

  • Trụ sở UBND Thành phố
    86 Lê Thánh Tôn, quận 1
  • Nhà hát Thành phố
    7 Công Trường Lam Sơn, quận 1
  • Bưu điện Thành phố
    Công xã Paris, Đồng Khởi, quận 1

      Kiến trúc trước 1975:

  • Hội trường Thống Nhất
    106 Nguyễn Du, quận 1
  • Thư viện Khoa học Tổng hợp
    67 Lý Tự Trọng, quận 1

      Kiến trúc mới:

  • Cao ốc The Metropolitan
    61 Nguyễn Du, quận 1
  • Trung tâm Thương mại Sài Gòn
    37 Lê Duẩn, quận 1

Điểm du ngoạn

Sông Sài Gòn như một dải lụa bạc uốn lượn qua thành phốMột chuyến du ngoạn trên sông không chỉ để ngắm cảnh, đón gió mát mà còn để có cái nhìn bao quát về quá trình phát triển của vùng đất này: Từ những vạt dừa nước trên vùng đất bồi chuyển sang những cao ốc đẹp của thời kỳ đổi mới; từ những bến ghe chất đầy nông sản miền Tây đến cảng Sài Gòn lớn nhất Việt Nam đón tàu biển khắp thế giới; từ bến Nhà Rồng là nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước sang bến Bạch Đằng cho tàu du lịch trên sông…

Trên địa đầu tây bắc của thành phố là Địa đạo Củ Chi, căn cứ cách mạng với hệ thống đường hầm như mạng nhện trong lòng đất, nổi danh cả trên thế giới. Quần thể địa đạo và Đền Tưởng niệm Bến Dược bên sông Sài Gòn nay là một di tích lịch sử – văn hóa với phong cảnh hữu tình, dòng sông thanh bình, vườn cây sum suê và đồng lúa xanh bát ngát.

Rừng ngập mặn Cần Giờ án ngữ cửa sông Sài Gòn, nguyên là căn cứ của lực lượng đặc công với những trận diệt tàu giặc lẫy lừng, đã trơ trụi vì bom đạn và chất độc màu da cam. Nay những cánh rừng đước mênh mông đã được hồi sinh, trở thành Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Bạn cũng sẽ ngạc nhiên về một điểm sinh thái khác cách không xa trung tâm thành phố là vườn cò Thủ Đức, trong một vùng quê sông nước êm ả, thanh bình, nơi “đất lành chim đậu”.

·         Địa đạo Củ Chi
Ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi

·         Rừng ngập mặn Cần Giờ
Xã Lý Nhơn và Long Hòa, huyện Cần Giờ

·         Du thuyền trên sông Sài Gòn
Xuất phát từ bến Bạch Đằng

·         Vườn cò Thủ Đức
124/31, khu phố Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9

ĐĂNG KÝ HỌC NGAY

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here