Trang chủ TIN TỨC Ám ảnh mùa thi | Điều gì là cần nhất đối với...

Ám ảnh mùa thi | Điều gì là cần nhất đối với bọn trẻ?

638
0
chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giành cho giáo viên 11

Ám ảnh mùa thi, sẽ không chỉ là chuyện hôm qua, hôm nay mà sẽ còn là chuyện của ngày mai!

Ngày 21/6, một nhà báo Truyền hình khá nổi tiếng, viết đại ý, rằng nghề làm báo, cũng bình thường như những nghề nghiệp khác, là sự lựa chọn, phân công của xã hội, có nguyên tắc, niêm luật. Đừng coi là cái gì đấy đặc biệt.
Xin thưa, nghề làm báo tuy không được gọi là Thầy như nghề dạy học, nghề y, nhưng không phải nghề bình thường, mà rất đặc biệt.

Người ta chỉ gọi số ít người làm nghề thiêng liêng, cao quý như dạy chữ, trị bệnh cứu người là Thầy.

Thầy bói, thầy cúng, thầy địa lí…chỉ là cách dùng từ cũ.
Có thấy ai gọi những thằng hoạn lợn, mấy tay đồ tể, bọn khoan cắt bê tông, khoan giếng, bán hàng đa cấp hoặc những vai u thịt bắp bồ hôi dầu…., tay chân to hơn đầu bằng Thầy đâu?
Tôi không có ý định bỉ bai những người lao động giản đơn. Vẫn biết và ghi nhận, “…lao động là vinh quang, không có nghề gì thấp kém, chỉ có những kẻ lười biếng ỉ lại mới đáng xấu hổ…”!

Tôi tin, nghề dạy học là một nghề cao quí. Vẫn hàng năm gặp gỡ các Thầy, Cô giáo cấp 3, Thầy dạy đại học với tình cảm yêu quí, trân trọng.

Trở lại chuyện học, chuyện thi.

Điều gì là cần nhất đối với bọn trẻ?

Tôi nói với con gái thế này.
Toán chỉ cần biết cộng trừ nhân chia, biết phân biệt sự giống, khác nhau giữa các hình vuông, bình hành, thang, thoi, phân biệt đường cong, thẳng. Nếu không thích số học, đại số, khảo sát hàm số, tích phân, vi phân, lượng giác…không cần nhớ.
Thích các phản ứng hoá học, các hiện tượng tự nhiên, theo học lí, học hoá. Thích các sự kiện, các mốc thời gian, các trận đánh…theo học sử.
Thích tìm hiểu về gene di truyền, cây cối, giống má…học sinh vật.
Thích tìm hiểu về cấu trúc địa tầng, thời tiết, khí hậu…theo nghề địa lí.
Không thích, không tìm được cảm hứng, thì thôi.

Còn bao nhiêu thứ để con say mê, theo đuổi như thể thao, ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa, thiết kế thời trang, thậm chí là may vá, nấu nướng…

Chú trọng môn tiếng Việt. Viết đúng ngữ pháp, chính tả. Không dùng những từ vô nghĩa, trừu tượng, không chấm phảy tuỳ tiện, viết hoa lung tung. Khi diễn đạt, tránh những từ kiểu thì, mà, là, có nghĩa là là…

Học tốt tiếng Anh, tự tin, đúng mực, lịch sự trong giao tiếp. Nói chuyện với bất kì ai, quốc tịch gì cũng nhìn thẳng vào mặt, vào mắt, không nhìn ngang, liếc dọc.

Tôi cũng dạy con những kĩ năng sống cần thiết. Điều mà, theo cảm nhận riêng, chương trình GDPT đang không chú trọng đúng mức.
Ở nhà cũng cần kĩ năng sống.
Ra đường càng cần.

Từ những đơn giản như chào hỏi, ứng xử, sử dụng các loại trang, thiết bị, đặc biệt là thiết bị điện, lên xuống xe, đối diện với mưa bão, tham gia các cuộc leo núi, bơi lội, đến những phức tạp khi ở sân bay, bến cảng, đối phó với các thảm họa như cháy nổ, động đất, sóng thần…
Tôi nói những chuyện này với con hàng ngày, mỗi ngày một chút, như kể chuyện.

Ví dụ, tại sao không được tiếp xúc, gần gũi người lạ? tại sao không được xách hộ đồ ở các nơi công cộng? tại sao không nên mang giùm đồ, khi không biết chắc chắn đồ gửi là gì, hậu quả sẽ thảm khốc thế nào?
Tham gia giao thông, kể cả đi bộ phải quan sát ra sao? Người Hà Lan mở cửa xe ô tô, tại sao ngồi bên lái lại dùng tay phải và ngồi bên phụ lại dùng tay trái?
Cần phải biết yêu quí thiên nhiên, bảo vệ cây xanh, tiết kiệm nước, năng lượng, tránh mọi hành vi huỷ hoại môi trường…

Thậm chí, tôi còn chỉ Nó và đùa, trước khi bước vào thang máy phải biết đứng chờ ở đâu, cũng như ăn buffet, chỉ nên lấy đủ dùng, nếu không muốn bị lầm là lũ du khách tàu man di mọi rợ…
Đại loại thế.

Nhiều kiến thức cơ bản, đôi khi những giảng giải đơn giản như kể 1 câu chuyện, lại giúp bọn trẻ nhớ lâu, thấm hơn cả những bài Giáo dục công dân mà chúng phải học thuộc lòng.

Ngày nay, chỉ với một chiếc Smartphone, có thể tra cứu mọi thứ trên đời, không nhất thiết phải nhồi nhét, bắt trẻ học thuộc lòng những điều rối rắm, vô bổ.

Có giai đoạn, Nó coi tôi là thần tượng, gì cũng giỏi. Đến một tuổi nào đấy, Nó không thích đi chơi, nói chuyện với Bố Mẹ. Nó có bạn, có môi trường, có những sở thích riêng. Mẹ Nó hay nói đùa, hết tuổi thần tiên, sẽ sang tuổi thần kinh. Tôi coi đó là chuyện bình thường, chỉ lo là Nó sắp xa mình.

Cố gắng giảng giải cho Nó hiểu, phân biệt được cái đẹp, cái xấu. Biết cảm thụ màu sắc, âm thanh. Vẽ được, chơi được một môn thể thao, một nhạc cụ nào đó càng tốt. Tự chăm sóc sức khỏe, biết cặp nhiệt độ, bao nhiêu độ là bình thường, bao nhiêu độ là sốt. Biết dấu hiệu cảm cúm, viêm họng, nhức đầu, sổ mũi…phải uống thuốc gì, vân vân và vân vân.

Bức tranh toàn cảnh xám xịt của nền GDVN thật đáng báo động.
Đừng đổ lỗi cả cho các Thầy, Cô giáo.
Phần đông, họ đều là những người tốt, yêu nghề, có đóng góp quan trọng với sự nghiệp giáo dục, phát triển xã hội. Cá biệt, có những trường, lớp, thầy cô, chạy theo thành tích. Như báo chí đưa tin, 90% trường này, lớp kia đạt học sinh giỏi, xuất sắc.
Một tỉ lệ đáng ngờ.

Học sinh có thực giỏi đồng đều với tỉ lệ cao ngất ngưởng như thế không? Thật lòng, tôi không tin. Chắc nhiều phụ huynh, thầy cô giáo cũng như tôi.
Con cháu chúng ta, không giỏi đều đến như vậy??.

Chạy theo thành tích, làm đẹp các báo cáo, vừa lòng cấp trên xảy ra ở đâu, trong bất cứ lĩnh vực nào cũng là một hành vi xấu, cần lên án và dẹp bỏ.

Đây là trách nhiệm của các quan chức ngành GD, từ cấp phòng, cấp sở đến cấp bộ.

Tôi từng nhận xét hài hước, cải cách lớn nhất của nền GD nước ta là thế giới tiến đi đâu thì kệ mẹ thế giới, bộ dục cứ đi giật lùi. Trong kỉ nguyên công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, cả nước đang nô nức bàn về cuộc CMCN “bún chấm cơm”, đi giật lùi đều từ đời bt-nhiệm kì này sang đời bt-nhiệm kì khác quả là chuyện không hề đơn giản, nếu không muốn nói là một sự phi thường?!

Thật sự không thể hiểu, cùng một đất nước, một nền giáo dục, cùng chế độ xã hội, ngôn ngữ, điều kiện sống cơ bản, mỗi địa phương lại thi một kiểu?

HN thi chuyển cấp, 2 môn văn, toán.
Thái Bình quê nội tôi, sẽ thi 3 môn, văn, toán, sử.
Còn Phòng, thành phố bị viêm đốt sống cổ, chưa thi. Sẽ thi 3 ngày. Văn, Toán, xong đến 7 môn: lý, hoá, sinh, sử, địa, tiếng Anh, GDCD, mỗi môn 5 câu, vị chi 35 câu trắc nghiệm, thời gian thi 60 phút…

Trẻ không đỗ vào PTTH sẽ làm gì?
Một câu hỏi vô cùng nhức nhối.

Không có tiền, hoặc không đủ điều kiện theo học hết PTTH, những đứa trẻ chưa đến tuổi lao động sẽ bị quăng ra vỉa hè, vào các cơ sở kinh doanh bất hợp pháp, kể cả những nghề bị xã hội lên án hoặc bị cấm. Xã hội hiện đại, đầy rẫy những cạm bẫy, rủi ro đang rình rập những đứa trẻ chưa sẵn sàng, chưa đủ tuổi, chưa chuẩn bị đầy đủ hành trang để bước vào đời.

Nghe nhiều phụ huynh mắng con, mày mà thi trượt, chỉ còn đường đi gắp cứt trâu, hihi.
Thực tế, thứ này, giờ kể cả nông thôn cũng chả còn ?.

Đây chắc chắn không phải là kết quả mong đợi của phụ huynh và học sinh đối với các thể loại, chương trình cải cách GD mà không ai khác, Bộ GD nơi tập trung nhiều nhất những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, phải chịu trách nhiệm.

P/S. Ám ảnh mùa thi – tại sao lại kinh khủng như vậy với cả học sinh lẫn phụ huynh?
Xin thưa. Học trường công lập tại thành phố lớn, tổng các loại chi phí cho 1 học sinh, ước khoảng 5,7 trăm US$/năm. Trường dân lập sẽ gấp 3,4 lần. Con theo học trường quốc tế (chỉ có ở các thành phố lớn), rẻ cũng gần gấp 10. Vài trường QT đặc biệt HN, SG, chi phí khoảng 20- 25 ngàn US$/năm ! Trong khi mức thu nhập bình quân đầu người VN đang ở mức 2215US$ theo thống kê năm 2016.

Tôi tin, cuộc chạy trường, chạy điểm vĩ đại và nhọc nhằn sẽ còn lâu mới đến hồi kết. So sánh để thấy rằng, trường công vẫn là mục tiêu mà đại bộ phận gia đình hướng tới và hi vọng. Trường công muôn năm là thế!

Ngẫm mà buồn. Hết lo cho con, nghĩ đến cháu đi là vừa.
Một giáo sư thật, chuyên gia về những vấn đề xã hội và giáo dục, khi nói về thực trạng của nền giáo dục thời này thở dài, đúng là Bát Nháo Thiên Địa!

Ám ảnh mùa thi, sẽ không chỉ là chuyện hôm qua, hôm nay mà sẽ còn là chuyện của ngày mai !”

Theo Bui Huy Hoi Bui (facebooker)

ĐĂNG KÝ HỌC NGAY

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here