Trang chủ TIN TỨC Lối nói lược-gộp khá độc đáo của tiếng Việt ở Nam Bộ...

Lối nói lược-gộp khá độc đáo của tiếng Việt ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ

730
0
Điều kiện để cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch 05

Trong văn nói, người Nam thường bỏ từ “ấy, đó” khi ghép với các đại từ. Đó chính là “lối nói lược-gộp khá độc đáo của tiếng Việt” ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, theo hướng âm tiết hóa để trở thành các đơn vị mới.

14 đại từ chỉ người mà danh từ dùng hợp âm vốn chỉ người trong quan hệ gia tộc về sau được dùng làm đại từ xưng hô:

– Ảnh (anh ấy): chỉ người anh của mình hoặc chỉ người nam được nói tới.

– Anh Tư ảnh có nhà không chị?
– Ảnh theo ghe lên huyện từ hồi hôm.

Bả (bà ấy): chỉ người nữ lớn tuổi vắng mặt được nói tới.
– Bà Bảy bả nói vậy chớ hổng phải vậy đâu.

Cẩu (cậu ấy): chỉ người cậu của mình hoặc người nam vắng mặt được nói tới.

– Cậu Năm đâu con?
– Cẩu đi xóm rồi cậu ơi.

Chả (cha ấy): nói tắt của từ “thằng chả” (thằng cha ấy), chỉ người nam được nói tới một cách thân mật hoặc với ý coi thường.

– Chả ba xạo đó mầy ơi, chả mà làm được có mà cùi sứt móng.

Chỉ (chị ấy): chỉ người chị của mình hoặc chỉ người nữ được nói tới.

– Giám đốc nói với chị Ba nhiều lần rồi, chỉ đâu có nghe nên giờ mới sinh chuyện lớn.

Cỏn (con ấy): thường dùng chỉ đối tượng nhỏ tuổi.
– Con Tám người ngoài vàm, cỏn xảnh xẹ lắm, có bị đòn cũng là đáng.

Cũng có nghĩa cũ là “con vợ mày”, chỉ vợ của người đối thoại với vẻ thân mật (Trần Thị Ngọc Lang, sđd, 1995, tr. 83), nay ít dùng.

Cổ (cô ấy): chỉ người cô của mình hoặc người nữ được nói tới.
– Tôi có biết cô Sáu Thà, đâu cổ dạy học bên Xóm Chài thì phải.

Dỉ (dì ấy): chỉ người dì của mình hoặc người nữ được nói tới.
– Dì Ba ở cùng xóm em, dỉ hay lại nhà em chơi lắm.

Dưởng (dượng ấy): chỉ người dượng (chồng của cô, dì) của mình hoặc người nam đã có gia đình được nói tới.
– Lấy cô em đã lâu nhưng dưởng có ở nhà thường với cổ đâu, thành ra tình cảm cũng lợt lạt.

Mẻ (mẹ ấy): nói tắt của từ “con mẻ” (con mẹ ấy), chỉ người nữ được nói tới với vẻ thân mật hoặc với ý coi thường.
– Mẻ nói dóc đó, mẻ làm gì có tiền mà mẻ trả cho chị.

Mở (mợ ấy): chỉ người mợ của mình hoặc người nữ đã có gia đình được nói tới.
– Cậu em thương mợ em lắm, mở muốn gì cậu em cũng chiều.

Ngoải (ngoại ấy): chỉ được người nhỏ tuổi dùng khi nói với người trong gia tộc.
– Dượng thấy không, ngoại đã bảy mươi mà vẫn leo dừa được, ngoải còn mạnh lắm đó.

Nổi (Nội ấy): chỉ được người nhỏ tuổi dùng khi nói với người trong gia tộc.
– Hai à, hôm qua lên nội chơi, nổi đổ bánh xèo ăn một bữa đã đời luôn.

Ổng (ông ấy):
– Anh Ba đâu chị?
– Ổng đi họp từ hồi đầu tuần lận.
—-

7 đại từ chỉ người mà danh từ dùng hợp âm vốn chỉ người ngoài quan hệ gia tộc:

Chảng (chàng ấy): chỉ người nam được nói tới với ý không xem trọng, nay ít dùng.

– Chảng với nảng coi trẻ vậy mà đều đã có một lần lập gia đình rồi cả đấy.

Ẻn (en ấy): từ chỉ bà ấy, cô ấy, chị ấy hoặc người nữ có tuổi trung niên, nay ít dùng.

– Mầy nói lại cho ẻn biết là ông xã ẻn đang tù tì ngoài vàm ấy.

Nảng (nàng ấy): người nữ được nói tới với ý không xem trọng, nay ít dùng.
– Nảng con ông Ba lối xóm, gặp chảng một cặp cũng là xứng đôi vừa lứa.

Thẳng (thằng ấy):
– Thằng Ba Cụt, thằng Hai Thẹo, thằng Tư Sứt, một tay tao chấp ba thẳng, sợ gì bọn nó.

Cũng có nghĩa cũ là “thằng chồng mày”, chỉ chồng của người đối thoại với vẻ thân mật (Trần Thị Ngọc Lang, sđd, tr. 83), nay ít dùng.

Thẩy (thầy ấy):
– Thầy Nam dạy toán lớp tôi, thẩy còn giỏi ca cải lương nữa đó.

Hồi đầu thế kỉ 20, nếu chồng mình làm những công việc mà xã hội quen gọi là thầy như thầy thông, thầy kí, thầy biện lí… thì người vợ cũng hay dùng từ “thẩy” để chỉ “người chồng của mình”

Trỏ (trò ấy):
– Cô hỏi trò Hoàng hả, trỏ đưa bà má bịnh lên Thành phố tái khám nên vắng mặt bữa nay. Vả (va ấy): người nam được nói tới có vị thế ngang bằng với người nói, nay ít dùng.

– Va là người có của ăn của để mà nói vả còn không nghe, tui rớt mồng tơi nói sao vả chịu nghe đây?

8 đại từ chỉ thời gian, vị trí. Trong đó có 7 từ còn được dùng dưới dạng láy; các từ dạng láy này có thể thế vào vị trí của từ một tiếng hữu quan mà ý nghĩa của câu gần như không thay đổi:

Hổm (hôm ấy): – Sao hổm tụi bay không tới, họp xong là văn nghệ vui quá là vui luôn. Dạng láy được dùng là “hôm hổm”.

Hổi (hồi ấy): – Hổi, tui đâu có tập kết thành ra đâu có đi Chắc Băng.

Nẳm (năm ấy): – Từ nẳm tới giải phóng là 21 năm, cả ảnh và tui vẫn chung thuỷ chờ nhau. Giờ con cháu đề huề hạnh phúc lắm chị ơi. Dạng láy được dùng là “năm nẳm”.

Bển (bên ấy): – Đây qua bển lội bộ chừng mười phút là tới chứ gì. Dạng láy được dùng là “bên bển”.

Đẳng (đằng ấy): – Đẳng có gì mà xôm tụ vậy anh? – Đẳng có đám múa lân, mà lân trên quận về. Dạng láy được dùng là “đằng đẳng”.

Ngoải (ngoài ấy): – Ảnh ở ngoải 8 năm rồi, được gặp lại vợ con mừng quá là mừng anh ơi.
Dạng láy được dùng là “ngoài ngoải”.

Trển (Trên ấy): – Ngoại đang chờ trên lầu đó, anh lên trển đi. Dạng láy được dùng là “trên trển”.

Trỏng (Trong ấy): – Hội trường đông nghẹt, trỏng ngộp quá nên tôi ra đây xả hơi một chút. Dạng láy được dùng là “trong trỏng”. Tuy vậy, các từ láy kể trên vẫn có cách dùng riêng chứ không hẳn là giống hệt với các từ đơn. Có những trường hợp từ đơn khó có thể thay thế được cho từ láy. Chẳng hạn: “Tụi em xuống đây hông? Đây là bến cuối rồi. Giờ chị phải dong ghe vô tận trong bưng lận. Nhà chị trong trỏng.”. “Nhà chị trong trỏng” nghĩa là: “Nhà chị trong ấy” hay “Nhà chị ở trong ấy”. Với ý này, không thấy người Nam Bộ nói chẳng hạn: “Nhà chị trỏng.” (?) nhưng có nghe nói “Nhà chị ở trỏng.”. Có thể vì ba chữ “nhà chị trỏng” cộc lốc quá trong khi bốn chữ “nhà chị trong trỏng” hoặc “nhà chị ở trỏng” mềm mại, cân đối hơn chăng? Với nhiều từ láy còn lại cũng có tình hình tương tự: Nói: Nhà chị bên bển/Nhà chị ở (bên) bển. Ít nói: Nhà chị bển. Nói: Hôm hổm tôi có ghé thăm anh. Ít nói: Hổm tôi có ghé thăm anh.

– 1 đại từ chỉ lượng: Chửng (Chừng ấy): – Sức mày có chửng mà đòi vác cái bao cả tạ, có mà té cụp xương sống đó con ạ.
(sưu tầm)

ĐĂNG KÝ HỌC NGAY

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here